10:10, 25/10/2016

Quốc hội thảo luận dự án Luật về hội

Sáng 25/10, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc ban hành Luật về hội. Đây là điều được quy định từ Hiến pháp 1946 đến nay, nhằm thể chế hoá các quy định của Hiến pháp và pháp luật về hội của công dân Việt Nam.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành cả ngày 25-10 để thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội.

 

Ông Lê Xuân Thân phát biểu tại kỳ họp
Ông Lê Xuân Thân phát biểu tại kỳ họp


Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.


Trong quá trình thảo luận, đã có 49 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và không áp dụng của Luật; Khái niệm hội, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội; Chính sách của Nhà nước đối với hội; vấn đề hỗ trợ kinh phí để hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; quy định về thực hiện quyền lập hội đối với cán bộ, công chức, viên chức; về hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ của nước ngoài và trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; các hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện, thủ tục thành lập hội; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội, đình chỉ hoạt động hội, giải tán hội; cơ cấu tổ chức hội, quyền, nghĩa vụ của hội và hội viên, tài sản và tài chính của hội; vấn đề quản lý nhà nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về hội; Thời gian Quốc hội thông qua Luật về hội…


Theo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động. Số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều, do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.


Đề cập đến sự cấp thiết ban hành Luật về hội, ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhất trí cao với việc thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này nhằm bảo đảm quyền của công dân, phát huy và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước với hội. Ông Lê Xuân Thân kiến nghị: “Thứ nhất, ở Khoản 3, Điều 2 trong dự thảo đã nêu trường hợp luật pháp có quy định về tổ chức hoạt động của hội trước ngày luật này có hiệu lực mà khác với luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó. Tôi thấy vấn đề này trái quy định với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà tôi tạm gọi là Luật làm luật.


Tại Điều 156, Khoản 3 quy định là trong trường hợp các văn bản vi phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Do vậy, nếu có mâu thuẫn về hội mà các văn bản luật khác đã đề cập thì chúng ta không thể quy định một quy định ngược với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghĩa là cái gì chúng ta cùng làm luật, cơ quan ban hành là Quốc hội thì cứ văn bản đằng sau phải được áp dụng nếu như đề cập về cùng một vấn đề.


Tôi nghĩ vấn đề này Khoản 3, Điều 2 ghi vào thì trái với luật mà chúng ta đang thi hành. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu để chỉnh sửa điều này. Ở đây tôi cũng suy nghĩ là có khả năng  do chúng ta có Luật Mặt trận, Luật Thanh niên, Luật Công đoàn đã ban hành trước đó thì bây giờ ghi thế này để áp dụng luật này thì nó sẽ vướng. Chúng tôi nghĩ trong Điều 2 của dự thảo luật không điều chỉnh các tổ chức này, tôi nghĩ nên cân nhắc trong việc ghi một điều mà trái với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Vấn đề thứ hai, ở Khoản 4, Điều 8 quy định cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực ngành có liên quan đến bí mật nhà nước thì 5 năm sau khi nghỉ hưu và nghỉ việc thì mới tham gia sáng lập và điều hành hội. Tôi đề nghị phải bổ sung thêm là hội hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực trước đó, lĩnh vực bí mật về nhà nước...


Thứ hai, cần ghi rõ hơn về nội dung quản lý nhà nước về hội. Tôi nghĩ chúng ta ghi Chính phủ quản lý chung, Bộ Nội vụ chủ trì giúp Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tôi nghĩ nên quy định cụ thể luôn. Ở đây có một điều là Bộ Nội vụ và ngành nội vụ của cả nước ở các địa phương giúp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền chung thực hiện việc quản lý nhà nước về hội. Trong đó có sự phối hợp rất chặt chẽ với bộ, ngành chuyên môn. Tôi đề nghị nên có thiết kế cụ thể về các nội dung quản lý nhà nước để bảo đảm việc thực hiện quản lý nhà nước về hội.”


Sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.


Thứ Tư, ngày 26-10, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.


T.A (Tổng hợp)