10:09, 19/09/2015

Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bước phát triển mới trong mối bang giao giữa hai nước.

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bước phát triển mới trong mối bang giao giữa hai nước.


Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 15 - 18/9 là một sự kiện quan trọng đối với quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ trong năm 2015 và còn cho những năm tiếp theo.


Diễn ra trong 4 ngày, với 26 hoạt động, chuyến thăm là bước phát triển mới trong mối bang giao giữa hai nước, vốn có sự tương đồng về văn hóa, tương hợp về lợi ích và tương hỗ về kinh tế.


Ngay từ khi đặt chân tới “đất nước Mặt trời mọc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nhận được sự đón tiếp trọng thị, thân tình và chu đáo của phía Nhật Bản.

 

Tổng Bí thư và Thủ tướng Nhật Bản duyệt đội danh dự.
Tổng Bí thư và Thủ tướng Nhật Bản duyệt đội danh dự.


Trong lễ đón chính thức tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất tại Nhà khách quốc gia Akasaka, do Thủ tướng Abe Shinzō chủ trì, có sự tham gia của toàn bộ thành viên Chính phủ Nhật Bản. Đây là điều hiếm thấy trong nghi lễ ngoại giao của Nhật Bản.


Dọc tuyến đường quanh Nhà khách quốc gia treo quốc kỳ hai nước. Nhà Vua Nhật Bản Akihito, Thủ tướng Abe Shinzō, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện Nhật Bản, lãnh đạo các đảng phái chính trị, các tập đoàn kinh tế đều bày tỏ niềm vui mừng được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sang thăm.


Những cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ trong một lịch trình bận rộn đều diễn ra thực chất với quan điểm chung là khai thác, phát huy đầy đủ hơn các tiềm năng hợp tác giữa hai nước để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản theo phương châm “Tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai”.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzō đều hài lòng cho rằng quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay.


Từ nhận thức chung: Hai bên có rất nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau; sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia, Việt Nam và Nhật Bản thống nhất tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước thời gian tới với ba trọng tâm là tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế; đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.


Thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế là một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm.

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuộc gặp gỡ với các giới, các doanh nghiệp Nhật Bản đều nhấn mạnh việc kết nối sẽ tạo động lực và nền tảng quan trọng của quan hệ giữa hai nước với ba trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển, kết nối năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực.


Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō vui mừng trước việc Việt Nam quan tâm tích cực tới Chương trình “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” và cam kết 100 tỷ yên ODA cho 3 dự án quan trọng và hứa xem xét tích cực cung cấp 300 tỷ yên ODA trong năm 2015.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nhật cho rằng, với thỏa thuận về kết nối kinh tế mở ra một triển vọng mới trong quan hệ hợp tác về hạ tầng nói chung trong đó có kết nối hạ tầng giao thông vận tải.


Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung, bổ trợ nhau rất cao và trong việc hoạch định chiến lược phát triển hay là những chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cần tính đến việc làm sao đó để phát huy được lợi thế cạnh tranh của từng nước và việc kết nối để bổ sung cho nhau trong từng giai đoạn phát triển.


Ông Hitoshi Ogita - Phó Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy những tiềm năng hợp tác còn rất lớn khi kết nối hai nền kinh tế bởi Việt Nam là thị trường hấp dẫn với dân số 90 triệu người, đồng thời là cửa ngõ và là địa bàn chiến lược để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đặt chân đi vào ASEAN.


Keidanren mong muốn rằng trong thời gian tới tiếp tục có những hoạt động tích cực để đóng góp cho giao lưu kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng mở rộng và phát triển theo chiều sâu.


Xin được nói thêm rằng Keidanren hiện có 1.300 hội viên là các công ty tiêu biểu của Nhật Bản.


Đây là tổ chức kinh tế lớn nhất, có ảnh hưởng nhất tới chính sách kinh tế của Chỉnh phủ Nhật Bản. Do vậy mà Chủ tịch Keidanrenthường được gọi là “Thủ tướng kinh tế” của Nhật Bản.
 

Hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.
Hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.


Việc hai nước ký “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp” trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra những triển vọng sáng sủa cho một lĩnh vực đầy tiềm năng.


Cụ thể hóa cho điều này là việc từ 17/9/2015, Nhật Bản sẽ xuất táo tươi sang Việt Nam và ngược lại phía Nhật Bản sẽ mở cửa cho xoài tươi của Việt Nam.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phù hợp với việc tham gia các Hiệp định kinh tế mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Hai nước sẽ thống nhất để có những điều chỉnh về giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật để tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên được trao đổi thuận lợi hơn; thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cao; đào tạo nhân lực để áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nước ta.


Rất nhiều người Nhật Bản, trong đó có cả Thủ tướng Abe Shinzō nói rằng thích món phở của Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam khi nói tới Nhật Bản là nhắc ngay tới món sushi. Sự giao lưu qua lại từ rất sớm đã kết nối nhân dân hai nước. Vượt qua nhiều thăng trầm, trở ngại của quá khứ đau thương, Việt Nam và Nhật Bản đã cùng xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.


Những nội dung này đã được Tổng Bí thư chia sẻ trong bài nói chuyện với các tầng lớp xã hội Nhật Bản trong đó có nhiều chính khách nổi tiếng, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo, chức sắc tôn giáo.
Bài nói chuyện đã nhận được sự đánh giá cao của cử tọa hơn 400 người.


Tổng Bí thư nhấn mạnh, thông qua trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, những tình cảm tốt đẹp đã được hình thành giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
 

Trình diễn thư pháp và đàn T'rưng tại Lễ khai mạc sự kiện Việt Nam tại Kanagawa
Trình diễn thư pháp và đàn T'rưng tại Lễ khai mạc sự kiện Việt Nam tại Kanagawa


Tổng Bí thư nhắc lại câu nói của nhà tư tưởng nổi tiếng Nhật Bản Yosida Soin: “Thành tâm hợp tác tất có thành quả tốt đẹp” để khẳng định rằng “Với những gì đã đạt được trong những năm qua và tầm nhìn mới về quan hệ hai nước và thái độ hợp tác chân thành, chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành mối quan hệ "tâm đầu ý hợp", "tin cậy" và "đồng cảm" (tiếng nhật là "di-ô-i-tô-gô", "sin-rai" và "ki-ô-kan")”.


Cũng trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzō đã trao đổi về những diễn biến phức tạp và căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.


Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo các đảo, đá quy mô lớn, nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).


Diễn ra vào thời điểm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12 của Đảng, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với chuyến thăm tới 2 cường quốc khác là Trung Quốc và Mỹ trong năm nay đã cho thấy Việt Nam tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn đi vào chiều sâu.


Ông Hoàng Bình Quân - Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương phân tích: Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua là biểu hiện sinh động của việc Việt Nam đang triển khai một cách tích cực và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ.


Có thể nói đây là những hoạt động đối ngoại rất quan trọng thể hiện chúng ta đang thực hiện và tiếp tục hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.


Tham dự khai mạc “Sự kiện Văn hóa Việt Nam tại Kanagawa”, Tổng Bí thư cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Kanagawa cùng nhau thực hiện nghi thức ghép những bông hoa cuối cùng để hoàn thiện bức tranh được kết từ hơn 5.000 bông hoa.


Cùng lúc các cháu học sinh đã đồng ca bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” quen thuộc của Việt Nam. Tổng Bí thư và các đại biểu đã vỗ tay và cùng hát. Một khoảnh khắc đẹp, ấm tình hữu nghị giữa hai đất nước! Chúng tôi cảm nhận rằng đây là một hành động mang đậm tính biểu tượng với thông điệp rằng lãnh đạo và nhân dân hai nước cần tiếp tục nỗ lực hết sức mình, thực tâm hợp tác tạo thành những mảnh ghép cho bức tranh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt – Nhật càng ngày càng sống động, tươi sáng, bền vững dài lâu./.


Theo VOV