10:08, 02/08/2012

Nghiên cứu gia hạn nợ cho sinh viên ra trường chưa tìm được việc

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có thông báo, công bố rộng rãi về việc các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học.

 

Học sinh, sinh viên khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học - Ảnh minh họa.
Học sinh, sinh viên khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học - Ảnh minh họa.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có thông báo, công bố rộng rãi về việc các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện trước ngày 30/8/2012 việc công bố, cung cấp thông tin rộng rãi về quy trình xác nhận miễn giảm và cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách gia hạn nợ đối với trường hợp học sinh, sinh viên sau khi ra trường chưa tìm được việc làm và gia đình vẫn thuộc diện đối tượng vay vốn thật sự khó khăn, chưa thể trả được nợ; bổ sung cho vay đối với các gia đình có từ 2 con trở lên học đại học, cao đẳng, học nghề.

Đặc biệt, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức cho vay theo mức khó khăn khác nhau cho phù hợp với nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, nên chưa có điều kiện trả nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải cho việc học tập.

Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ cho những học sinh, sinh viên đã ra trường nhưng chưa tìm được việc làm. Theo quy định chung, tùy theo từng khoản nợ, thời gian gia hạn tối đa khoảng 2 năm. Còn đối với những trường hợp đã hết thời gian gia hạn nhưng các bạn trẻ vẫn chưa tìm được việc làm thì ngân hàng sẽ nghiên cứu để có hướng giải quyết phù hợp.

Có thể nói, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp cho các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, đảm bảo thực hiện chủ trương của Chính phủ không để một học sinh, sinh viên nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.

Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên hiện đã giúp cho hơn 2,8 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn. Hiện nay đang có hơn 1,9 triệu hộ gia đình với gần 2,4 triệu học sinh, sinh viên đang còn dư nợ.

Đến thời điểm 30/6/2012, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được gần 40.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng. Dự kiến riêng trong năm 2012, doanh số thu nợ sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo thông tin Văn phòng Chính phủ, dự kiến trong tháng 11 tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên trên phạm vi toàn quốc theo hình thức trực tuyến thông qua các điểm cầu truyền hình tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo CP