Theo đánh giá của ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, kết quả thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại UBND TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh cho thấy, mô hình này đã tác động tích cực, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ tại các địa phương. Sắp tới, cần mở rộng mô hình này cho các địa phương còn lại trong tỉnh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, kết quả thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại UBND TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh cho thấy, mô hình này đã tác động tích cực, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ tại các địa phương. Sắp tới, cần mở rộng mô hình này cho các địa phương còn lại trong tỉnh.
Tăng chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ
Mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại UBND TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, tại TP. Cam Ranh từ tháng 4-2011. Bộ phận một cửa tại các địa phương được trang bị đầy đủ ghế chờ, bàn viết cho khách hàng; có điều hòa, máy tính, máy in, hệ thống tra cứu hồ sơ bằng mã vạch, hệ thống xếp hàng tự động, ki-ốt tra cứu thủ tục hành chính (TTHC) bằng màn hình cảm ứng, bảng niêm yết TTHC… Theo đánh giá của Sở Nội vụ, với diện tích được mở rộng, xây dựng khang trang, vị trí thuận lợi và được trang bị hiện đại, bộ phận một cửa các địa phương thí điểm đã có sự thay đổi mạnh mẽ về điều kiện làm việc và năng lực đón tiếp, phục vụ khách hàng, tạo môi trường giao tiếp, làm việc văn minh, lịch sự. Từ đó, góp phần quan trọng làm đổi mới bộ mặt cơ quan hành chính Nhà nước trong quan hệ công việc, TTHC với tổ chức và cá nhân theo đúng tinh thần một nền hành chính phục vụ. Bộ phận một cửa của UBND TP. Nha Trang có 19 cán bộ, công chức, bố trí 12 quầy giao dịch, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết 66 TTHC. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị xã Ninh Hòa bố trí 14 công chức, gồm 9 quầy giao dịch, thực hiện 166 TTHC, trong đó 46 thủ tục thực hiện thường xuyên. UBND TP. Cam Ranh bố trí 9 công chức, có 13 quầy giao dịch (hiện sử dụng 8 quầy), thực hiện 65 thủ tục. Số TTHC ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từng địa phương khác nhau nhưng đều đảm bảo đúng theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông của thị xã Ninh Hòa. |
Cần thống nhất số lượng thủ tục đưa vào một cửa
Thực tế, trong quá trình thực hiện mô hình này, số hồ sơ trễ hẹn chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo UBND TP. Nha Trang, các văn bản quy định về lĩnh vực đất đai thường xuyên thay đổi nên cán bộ tác nghiệp lúng túng, mất thời gian để nghiên cứu văn bản mới. Khối lượng hồ sơ phải giải quyết quá nhiều trong khi nhân sự còn thiếu, thường xuyên thay đổi nhiệm vụ công tác. Mối quan hệ phối hợp giữa UBND các xã, phường với các đơn vị phòng, ban chuyên môn đôi lúc chưa đồng bộ, nhịp nhàng nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân. Đối với UBND TP. Cam Ranh, hồ sơ lĩnh vực đất đai trễ hẹn cao do nhiều hồ sơ có nguồn gốc không rõ ràng; thời gian giải quyết hồ sơ của một số thủ tục theo quy định quá ngắn, trong khi phải luân chuyển qua nhiều cơ quan tham mưu giải quyết. Mặt khác, cán bộ, công chức chưa cập nhật kịp thời, chính xác tình trạng xử lý hồ sơ nên hồ sơ đã được giải quyết vẫn bị hệ thống máy tính cảnh báo trễ hạn.
Ngoài ra, việc thực hiện mô hình một cửa liên thông theo hướng hiện đại còn một số hạn chế. Có địa phương diện tích phòng làm việc của bộ phận một cửa chưa đáp ứng được yêu cầu nên ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khi số người dân đến giải quyết thủ tục quá đông. Diện tích phòng làm việc của bộ phận một cửa Nha Trang là 80m2, Ninh Hòa 200m2, Cam Ranh gần 300m2, trong khi chỉ riêng diện tích tối thiểu cho thủ tục làm chứng minh nhân dân (chưa kể khu vực chờ) đã là 100m2. Một số cán bộ chưa quen sử dụng phần mềm nên ảnh hưởng đến kết quả giải quyết hồ sơ và gây khó khăn cho việc kiểm tra, theo dõi, thống kê tình trạng hồ sơ của tổ chức, công dân. Số lượng TTHC áp dụng tại các địa phương chưa thống nhất. Hệ thống phần mềm một cửa điện tử tại các địa phương chưa đồng bộ và thống nhất về mặt giải pháp công nghệ, chưa hoàn thiện mô hình quản trị cơ sở dữ liệu để tiến tới liên thông cơ sở dữ liệu. Chưa có cơ chế để UBND tỉnh và cấp trên giám sát quá trình giải quyết TTHC. Về phía các cơ quan ngành dọc (Kho bạc Nhà nước, Thuế), việc bố trí cán bộ thường xuyên tại bộ phận một cửa tạo ra áp lực công việc lớn cho cơ quan vì hồ sơ tại bộ phận một cửa thường không nhiều trong khi công việc tại trung tâm lại quá tải. Theo đại diện Kho bạc Nhà nước tỉnh, biên chế bộ phân kho quỹ cho Kho bạc Nhà nước cấp huyện chỉ 1 - 2 người, phải rút 1 người trực một cửa. Trong khi số lượt giao dịch một cửa liên thông quá ít (Nha Trang bình quân 17 lượt người/ngày, Ninh Hòa 3 - 5 lượt/ngày), thì số giao dịch tại trụ sở rất nhiều (Nha Trang bình quân 318 lượt/ngày, Ninh Hòa từ 120 - 160 lượt người/ngày), tạo sức ép về công việc tại trung tâm quá lớn.
Rút kinh nghiệm từ kết quả thí điểm, Sở Nội vụ đề nghị rút lĩnh vực thu tiền nộp ngân sách ra khỏi bộ phận một cửa liên thông theo hướng hiện đại. Đối với lĩnh vực cấp chứng minh nhân dân, cần bố trí đủ diện tích nên địa phương nào đáp ứng tốt thì tiếp tục thực hiện, địa phương nào hạn chế về diện tích thì kiến nghị chuyển về trụ sở Công an cấp huyện. Như vậy, chỉ có bộ phận một cửa của TP. Cam Ranh duy trì được thủ tục này. Theo Sở Nội vụ, cần thống nhất đưa toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện đã được UBND tỉnh công bố vào bộ phận một cửa liên thông theo hướng hiện đại. Đồng thời, kiện toàn tổ chức, nhân sự, hoạt động của bộ phận một cửa, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
N.D
Từ khi đề án thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại chính thức đi vào hoạt động, bộ phận một cửa TP. Nha Trang đã tiếp nhận hơn 80.000 hồ sơ, giải quyết hơn 78.700 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,38%, trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm hạn và đúng hạn đạt 78,54%. Tại Ninh Hòa đã tiếp nhận gần 46.300 hồ sơ, giải quyết gần 43.000 hồ sơ, đạt 92,87%. Tại Cam Ranh, đã tiếp nhận hơn 14.000 hồ sơ, giải quyết 13.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 92,6%.