03:02, 07/02/2011

Xuân đang về…

. Ghi nhanh của ĐÌNH LÂM - ANH TUẤN

Những ngày này, không khí Tết đã rất rõ rệt. Trong từng cơn gió, đã nghe hơi hướng của mùa Xuân, của ngày Tết. Tất cả như hân hoan hòa vào bản hoan ca của đất trời đang vào Xuân.

Những ngày này, không khí Tết đã rất rõ rệt. Trong từng cơn gió, đã nghe hơi hướng của mùa Xuân, của ngày Tết. Tất cả như hân hoan hòa vào bản hoan ca của đất trời đang vào Xuân.

Đồng chí Lê Thanh Quang – Uûy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm và tặng quà Tết cho học sinh mầm non ở Khánh Sơn.

.

Rộn ràng phố thị

Mưa bụi lất phất bay, gió hun hút thổi. Hơi lạnh theo hướng biển tràn vào đô thị, se sắt. Xuân đang về! Nhịp sống nơi phố thị vốn hối hả, Xuân về lại càng thêm rạo rực. Các tuyến đường chính tại Nha Trang được trang hoàng lộng lẫy đèn, hoa. Cảnh vật và con người như đang bị cuốn vào vòng xoay rộn ràng của thời khắc giao mùa. Tết đang đến rất gần! Không khí Xuân len lỏi vào từng nhà, từng góc phố. Để đón thời khắc quan trọng đầu năm, nhà nhà đều lo sửa sang lại cho khang trang, nơi này quét vôi lại bức tường, nơi kia sửa hàng rào, sơn lại cánh cửa. Trò chuyện với chúng tôi khi đang lắp đèn nháy trang trí trên đường Trần Phú, anh Nguyễn Hoàng Minh, công nhân điện, hồ hởi: “Anh em chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành trang trí cho các tuyến đường của thành phố. Tuy công việc gấp gáp, anh em có mệt mỏi, nhưng để làm đẹp cho thành phố trong những ngày Xuân, ai cũng cảm thấy rất vui”.

Đường phố tại Nha Trang được trang hoàng lộng lẫy.
Không khí Xuân có lẽ thể hiện rõ nhất ở các chợ lớn trong thành phố. Các bà, các cô nườm nượp đi sắm đồ Tết. Tại chợ Đầm, vô số các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết được bày bán như bánh, mứt, hải sản, củ kiệu, dưa hấu, cà rốt… Quanh chợ, hầu hết gian, lô, sạp đều chất kín hàng hóa. Chị Huỳnh Thúy Vy, chủ sạp buôn bán tạp hóa ở chợ cho biết: “Bình thường sạp của tôi chỉ bán hàng tạp hóa. Gần Tết lấy thêm bánh, mứt, làm thêm dịch vụ gói quà, hoa vải, mai giả… Bây giờ đang là thời điểm người dân đi mua sắm sôi động nhất”. Tại khu vực bán hoa và cây cảnh ở chợ Vĩnh Hải (Nha Trang) cũng thấy những gương mặt hồ hởi, vui tươi của người mua, người bán. Giá hoa kiểng ở đây cũng rất đa dạng, từ vài chục ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. Rẻ nhất là các loại ớt kiểng, mào gà, vạn thọ…, giá từ 10 ngàn đến 50 ngàn đồng/chậu. Kế đến là mai, khế, sộp, hoa giấy… giá từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng. Vừa chọn mai, anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) vừa nói chuyện với chúng tôi: “Năm vừa qua, công việc làm ăn của gia đình cũng thuận lợi nên tôi muốn mua cây mai, sắm thêm một số thứ cho vợ con để gia đình có được một cái Tết vui vẻ, tươm tất ”.
Mua mai trưng Tết là thú vui của nhiều người.

. Náo nức miền cao

Dù không tấp nập bằng ở thành phố, song bà con ở các huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn cũng đang hối hả mua sắm cho ngày Tết. Đường sá, nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng, sạch đẹp. Các gia đình bắt đầu mổ heo, gói giò, chuẩn bị lá dong gói bánh chưng, bánh tét. Ở các chợ huyện, người bán, người mua tấp nập. Hàng quần áo may sẵn là đông khách hơn cả. Vừa chọn quần áo cho con, chị Cao Thị Hương (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) vừa khoe: “Tết năm nay, tôi mua cho bọn nhỏ mỗi đứa 2 bộ quần áo. Cả năm làm ăn vất vả, nên 3 ngày Tết cũng mua sắm cho con cái bằng với người ta. Mấy năm gần đây, kinh tế gia đình khá lên nhiều, do đó Tết năm nay, gia đình sắm khá tươm tất”. Ở miền núi, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, các gia đình chính sách còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Vừa qua, khi đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách ở Khánh Sơn, các gia đình đã hết sức xúc độngï.

Lại một mùa Xuân nữa người phụ nữ này không được về quê đón Tết.
Ghé thăm đồng bào Tày - Nùng ở xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) khi Tết đã cận kề, chúng tôi khá bất ngờ khi được biết bà con tổ chức những trò chơi rất riêng trong ngày Xuân như ném còn, hát then… Người Tày - Nùng ăn Tết không cầu kỳ, tốn kém nhưng rất chu tất. Bà Nông Thị Mai, người dân tộc Nùng ở xã Khánh Hiệp cho biết: “Tuy mới vào lập nghiệp ở Khánh Vĩnh được 10 năm nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống của bà con Tày - Nùng ở đây đều khá giả. Tết năm nay, gia đình được mùa mía nên ăn Tết lớn. Đối với người Nùng, gà trống thiến là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Nhà ít thì 1 - 2 con, nhà nhiều thì 5 - 6 con… Từ đầu tháng Chạp, đàn ông ở các gia đình đã chuẩn bị những chiếc lồng to để nuôi nhốt gà cồ thiến và nuôi cho chúng béo mập. Với người Nùng, những ngày Tết không chỉ thể hiện tình cảm giữa con người mà còn giáo dục cho con cháu biết bản sắc của dân tộc mình…”.

. Chút ưu tư của người xa xứ

Đất trời vào Xuân, ai ai cũng chuẩn bị những bộ đồ mới, náo nức chờ Tết đến. Nhưng đâu đó trong những quán ăn, những con phố nhỏ, vẫn còn những con người lầm lũi mưu sinh. Với họ, chơi Tết vẫn là điều gì đó xa xỉ! Vì cuộc sống, họ đành quên mùa Xuân đang về để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bên ngã ba đường Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương (Nha Trang), ngồi lọt thỏm giữa gánh hàng rong, nồi tàu hủ to đùng còn đầy tràn, nét lo lắng hiện rõ trên gương mặt cụ Phạm Thị Sáu (quê ở Quãng Ngãi): “Hàng còn nhiều quá. Ngày thường, đâu đến nỗi, nhưng hôm nay, mọi người chỉ chú tâm mua hàng Tết trong mấy cửa hiệu. Ai cũng tất bật lo mua sắm nên tôi ế hàng, chưa biết sao đây… Năm hết rồi mà chưa có tiền gửi về quê. Lo quá!”. Cụ Sáu nhìn ra đường. Ngoài kia, dòng người vẫn tấp nập đổ về trung tâm thành phố. Tết đã đến thật gần. Không khí đó thật trái ngược với dáng vẻ khắc khổ và ánh mắt ưu tư của cụ Sáu. Cùng cảnh xa quê như cụ Sáu, chị Lan (ở trọ tại Phước Long, Nha Trang) năm nay cũng không được về quê đón Tết. Từ Hà Tĩnh vào Nha Trang tìm việc làm; trước, xin phụ hồ; sau, chuyển qua bán rau cải bằng xe đẩy dạo quanh Nha Trang; Tết đến, đi bán phong bao lì xì - đó là những công việc của chị Lan trong 2 năm vào Nha Trang mưu sinh. Đây là cái Tết thứ hai chị không về quê. Giọng chị nghèn nghẹn: “Ở đây, làm lụng dành dụm được bao nhiêu, gửi về nhà nuôi 2 con ăn học. Nhớ con lắm, nhưng nghĩ, đi về 2 lượt mất mấy trăm nghìn đồng tiền xe; số tiền đó cũng đủ cho 2 con sống trong vài tháng. Năm sau, dành dụm được kha khá hơn, tôi sẽ về với các con”. Tôi chợt liếc qua chiếc mẹt đựng phong bao lì xì của chị: Một chiếc áo thun cho con trai, chiếc áo váy cho con gái, kế bên là đôi giày nhỏ. Tất cả sẽ được gửi cho các con qua mấy người đồng hương chuẩn bị về quê.

Những ngày giáp Tết với nhiều phụ nữ có gia cảnh khó khăn là thời điểm lý tưởng để bươn chải mua bán kiếm thêm vài nghìn đồng. Những vóc dáng như gầy hơn, dài hơn… như nỗi lo vượt quá sức của người phụ nữ. Tết càng đến gần, bước chân càng thêm nặng, nhưng nghĩ đến gương mặt rạng ngời niềm vui của con trẻ ở nhà trước đôi dép mới, bộ đồ mới… những người mẹ, người bà lại phấn chấn hẳn lên.

Xuân đang gõ cửa từng nhà. Xuân về đem theo bao niềm hy vọng ở phía trước. Xuân cũng là dịp để con người trút bỏ những ưu tư, buồn phiền và xích lại gần nhau hơn. Dẫu biết rằng, năm cũ sẽ qua, năm mới lại đến với bao nỗi lo toan thường trực, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, ai ai cũng thầm mong có được những ngày Tết xum vầy, hạnh phúc và an lành!

. Ghi nhanh của ĐÌNH LÂM - ANH TUẤN