Ngày ấy, Khánh Hòa được tôn vinh là “cường quốc” học sinh (HS) giỏi vì luôn có mặt ở tốp đầu các kỳ thi HS giỏi các cấp. Vấn đề đặt ra là làm sao sớm...
Ba gương mặt thủ khoa trường THPT Lê Quý Đôn năm học 1991 - 1992. |
Ngày ấy, Khánh Hòa được tôn vinh là “cường quốc” học sinh (HS) giỏi vì luôn có mặt ở tốp đầu các kỳ thi HS giỏi các cấp. Vấn đề đặt ra là làm sao sớm tìm được con đường ngắn nhất để trở lại thời hoàng kim ấy.
Theo các thầy cô giáo đã từng công tác trong ngành Giáo dục (GD) tỉnh từ những ngày đầu giải phóng đến nay, sự nghiệp GD Khánh Hòa quả thật đã có một thời hoàng kim rực rỡ, được bạn bè trong Nam ngoài Bắc biết tiếng và thực sự “tâm phục khẩu phục”. Đó là quãng thời gian thuộc về những thập niên 80, 90 thế kỷ trước, ngành GD đem quân “đánh đâu, thắng đó”, thành tích nối tiếp thành tích trong các cuộc thi tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Còn nhớ ngày ấy, Khánh Hòa được bạn bè cả nước tôn vinh là “cường quốc” HS giỏi vì luôn có mặt ở tốp đầu các kỳ thi HS giỏi các cấp. Sau khi Trương Bá Hà đoạt giải Ba HS giỏi quốc tế môn Vật lý vào khoảng những năm 79, 80 thì sau đó không lâu, 2 HS Khánh Hòa lại đoạt giải Nhì, giải Ba cùng 1 năm trong kỳ thi HS giỏi quốc tế môn Toán. Các giải HS giỏi quốc gia cũng khá nhiều, dường như năm nào cũng có mà hầu như là giải cao. Không chỉ các môn có thế mạnh truyền thống về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa… các môn khoa học xã hội, trong đó Tiếng Anh cũng vang bóng một thời. Người ta vẫn còn nhớ trong những năm vàng son ấy, HS Trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hòa dường như chỉ có “đối thủ” duy nhất là Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh). Các danh hiệu thủ khoa, á khoa các trường đại học (ĐH) danh giá như Y - Dược, Bách khoa, Ngoại thương, ĐH Khoa học Tự nhiên, Học viện Ngân hàng… đều “luân phiên” thuộc về HS 2 trường này; đặc biệt có năm HS Khánh Hòa giành luôn 3 “ngôi” thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với số điểm tuyệt đối 30/30. Sự thành công của HS Khánh Hòa đã khiến các gia đình giàu có và hiếu học ở TP. Hồ Chí Minh luôn săn tìm các cựu HS Lê Quý Đôn Khánh Hòa để kèm cặp cho con cái họ với sự ưu đãi đặc biệt. Không chỉ thủ khoa tuyển sinh, nhiều cựu HS Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi… tiếp tục làm rạng danh quê nhà với các danh hiệu thủ khoa, á khoa tốt nghiệp ĐH. Có người nhẩm tính nếu kể cả thủ khoa “đầu vào, đầu ra” có lẽ đã lên tới vài trăm trường hợp. Đó là chưa nói tới các HS xuất sắc khác, được tuyển chọn đi du học Liên Xô, Đông Âu và sau này là các nước khác như Singapore, Nhật, Úc, Mỹ, Pháp…; trong đó nhiều em giờ đã thành danh ở trong nước hoặc nước ngoài.
Điều kỳ diệu là cũng chính trong những năm tháng ấy, HS Khánh Hòa còn giành nhiều thắng lợi trong các cuộc tranh tài văn nghệ, thể thao của cả nước. Người ta còn nhớ đội bóng đá thiếu niên mà chủ công là HS các trường phổ thông cơ sở ở Ninh Hòa đã đại diện cho HS Việt Nam du đấu ở các nước. Cũng đã có một thế hệ “vàng” điền kinh HS Khánh Hòa từng mang lá cờ Tổ quốc đến với các cuộc thi tài quốc tế, trong đó có nhiều người hiện vẫn còn công tác trong ngành GD và Thể dục thể thao của tỉnh như Trần Thị Lan Thanh, Huỳnh Thị Cúc, Trần Văn Trúc, Nguyễn Tý… và nhiều kiện tướng xuất sắc khác. Từ phong trào Tiếng hát học đường, HS Khánh Hòa luôn tiến sâu vào các giải văn nghệ lớn của cả nước; nhiều HS giành được Huy chương Vàng và tiếp tục thành danh trong sự nghiệp ca hát như Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh…, được công chúng mọi miền đất nước biết tiếng và mến mộ đến tận bây giờ.
Cũng như tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, dường như GD không thể tránh khỏi những bước thăng trầm lịch sử. Những lúc khó khăn, các thầy cô giáo và những ai quan tâm đến sự nghiệp GD luôn tiếc nuối một thời hoàng kim đã qua. Người viết bài này đã “cầu kiến” các thầy cô giáo từng gắn bó lâu năm với nghề dạy học để xin lời giải đáp vì sao vào cái thời vất vả, thiếu thốn ấy mà ngành GD Khánh Hòa lại luôn đứng trên bục vinh quang? Mỗi thầy cô đều có một cách giải thích riêng, nhưng hình như đều có chung “lời kết” là làm GD cũng như trồng cây, gieo hạt; chăm chỉ, siêng năng chăm bón như nhau nhưng có mùa được, mùa “thất” cũng là lẽ thường. Các nhà giáo đã từng dạy các em HS đoạt giải quốc gia, quốc tế, thủ khoa ĐH của thời vang bóng ấy hầu như vẫn còn đông đủ trên bục giảng các nhà trường hiện nay, nhiều người tiếp tục học tập đạt nhiều học vị cao hơn, điều kiện dạy - học thuận lợi hơn nhưng cũng chật vật trong việc bồi dưỡng và giúp HS “kiếm” các giải HS giỏi quốc gia hàng năm. Hay là vì các lứa HS xuất sắc, những hạt giống “vàng” của những năm tháng ấy chưa đến kỳ xuất hiện trở lại? Câu hỏi xin dành cho ngành GD trả lời. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm sao sớm tìm được con đường ngắn nhất để trở lại thời hoàng kim ấy mới là điều cần thiết.
Bài 2: Thực trạng và nguyên nhân
XUÂN SƠN