06:09, 09/09/2009

sinh viên long đong tìm nhà trọ

Nhiều sinh viên năm 3 và 4 có kinh nghiệm đi tìm nhà trọ cho biết, giá nhà trọ và điện nước cứ “đội” lên liên tục...

Nhếch nhác một khu nhà trọ sinh viên.

Tìm phòng trọ là nỗi khổ của nhiều sinh viên (SV) mỗi khi mùa khai giảng cận kề. Tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), thời điểm này, những khu trọ gần các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hầu như không còn phòng trống.

Điệp khúc: “Hết phòng”!

Ròng rã nửa ngày trời đi tìm nhà trọ, Hoài Linh, SV năm thứ 2 khoa Du lịch, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang mừng rỡ khi được một người quen chỉ tới một xóm trọ vừa có người chuyển đi. Thế nhưng, niềm vui nhanh chóng chuyển thành nỗi thất vọng khi Linh nhận được câu trả lời của chủ nhà: “Cách đây vài phút đã có người hỏi thuê và đặt tiền cọc rồi.” Dạo quanh khu vực gần các trường ĐH, CĐ tại Nha Trang vào thời điểm này, hầu hết chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Hết phòng rồi!”. Linh cho biết: “Bình thường, chủ nhà trọ dán tờ rơi có ghi số điện thoại để SV tiện liên hệ thuê nhà trọ, nhưng nay đã được gỡ ra vì các phòng đều đủ người ở”. Thậm chí có nhà trọ chưa xây xong đã có người đặt thuê trước để “giữ chỗ”. Một số nhà trọ do điều kiện vệ sinh chật hẹp nên chỉ cho SV nam thuê.

Nhiều SV năm 3 và 4 có kinh nghiệm đi tìm nhà trọ cho biết, giá nhà trọ và điện nước cứ “đội” lên liên tục. So với năm ngoái, giá một phòng trọ ở mức “bình dân” 400 - 500 ngàn đồng đã tăng lên 500 - 600 ngàn đồng; giá điện tăng từ 2.000 đồng/kW lên 2.500 - 3.000 đồng; giá nước từ 5.000 - 6.000 đồng/m3 lên 7.000 đồng/m3 hoặc từ 30 ngàn đồng/người lên 35 ngàn đồng/người. Những khu trọ có phòng vệ sinh khép kín, điều kiện tương đối tốt, đủ cho 4 người ở đều có giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng; còn những khu nhà cấp 4 hoặc xa trường học giá khoảng 300 - 400 ngàn đồng/phòng, cộng thêm chi phí đi lại khiến nhiều SV “méo mặt”.

Để tiết kiệm chi phí thuê nhà và sinh hoạt, không ít SV nữ phải đăng tin tìm người ở ghép trên các tờ rơi hay các diễn đàn trên mạng. Tuy nhiên, nhiều chuyện không hay đã xảy ra từ việc SV ở ghép. Hà - SV năm thứ 3, Trường ĐH Nha Trang cho biết: “Ở chung được vài tuần thấy không hợp nhau, xảy ra cãi lộn, xích mích, rồi mất cắp, thành thử mình lại phải chuyển đi chỗ khác”.

Khổ với phòng trọ

Đi sâu vào một ngách nhỏ trên đường Đoàn Trần Nghiệp (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) - nơi người dân gọi là “xóm nát”, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những dây quần áo giăng mắc dọc ngang các dãy nhà; xe đạp, xô chậu lộn xộn. Một dãy phòng trọ mới đang được xây dựng nên đất cát, xi măng, gạch vữa, xà gồ, cốt pha và rác rưởi choán hết lối đi. Xóm có 4 dãy, mỗi dãy từ 3 - 6 phòng. Có một dãy nhà cũ, tường gỗ đã mục nát, được ghép xiên xẹo bằng một vài miếng cốt pha, mái ngói chưa được nâng cấp nên mỗi lần mưa lớn là SV lại phải huy động toàn bộ xô chậu để hứng dột khắp phòng. Nghe tôi hỏi thuê phòng trọ, chị Thanh - chủ khu nhà này phân trần: “Dãy đó chỉ có 280 ngàn đồng/phòng thôi, ở được 2 - 3 người, nhưng chỉ con trai mới ở được”. Tú - một SV thuê trọ ở đây than: “Nếu không tới lớp thì phải tranh thủ lên thư viện đọc sách hay chơi thể thao, chứ ở nhà nóng bức và nhiều muỗi lắm”.

Trường hợp của Thành, SV năm thứ 3 khoa Kinh tế, ĐH Nha Trang lại khác. Thành được xếp vào ở ký túc xá 2 năm đầu, nhưng do số lượng phòng trong ký túc xá có hạn nên phải “nhường” cho các SV mới. Căn phòng mới thuê của Thành rộng chưa đầy 14m2 với một chiếc giường nhỏ chiếm đến 1/3 diện tích, tính thêm diện tích dành cho tủ quần áo, giá sách, bếp, bình ga, máy tính, chỉ còn lại một không gian nhỏ hẹp đủ cho 2 người ngồi! Phòng có tới 3 người nhưng ít khi có mặt đông đủ vì quá chật. “Tiết kiệm được chừng nào hay chừng ấy. Cũng may là đứa thì đi làm thêm, đứa ngủ nhờ nhà hàng xóm nên ít khi có đủ cả 3 ở nhà. Điều kiện vệ sinh ở những khu trọ cũng rất tạm bợ, 10 phòng chung nhau một nhà vệ sinh ở cuối dãy. Cũng may, mọi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, nhưng vào mùa mưa thì ướt át và bốc mùi ghê lắm!” - Thành tâm sự.

Còn Nhung, khoa Lý luận chính trị, ĐH Nha Trang, đi học xa nhà hơn 1 năm nhưng đã phải chuyển nhà trọ tới 4 lần. Nhung kể, nhớ nhất là thời gian ở trong khu nhà gồm 6 phòng trọ của một gia đình mở quán lẩu dê. Do kinh doanh thất bát nên chủ nhà trọ đột ngột tăng giá phòng từ 500 ngàn lên 700 ngàn đồng/phòng. SV bức xúc vì công tơ điện chạy nhanh một cách bất thường, giá nước giếng khoan tính theo tiền nước máy. Vậy là, Nhung và 2 bạn cùng phòng kéo nhau đi tìm nhà trọ khác. “Mỗi lần chuyển nhà rất vất vả và mất thời gian, chỉ mong sao có chỗ ở ổn định để tập trung học tập” - Nhung chia sẻ.

KIM DUNG