“Đất nước nghiêng mình/Đời đời nhớ ơn …”, lời hát trong bài “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh và biết bao lời thơ, bản nhạc, tác phẩm…
“Đất nước nghiêng mình/Đời đời nhớ ơn …”, lời hát trong bài “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh và biết bao lời thơ, bản nhạc, tác phẩm… đã viết về Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng biết ơn vô hạn như vậy. Chúng ta nghiêng mình và đời đời nhớ ơn Bác, vị lãnh tụ vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng nước ta đến ngày toàn thắng.
Sinh ra trong gia đình nhà Nho yêu nước ở một địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, trong những năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) đã sớm có ý chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập tự do cho đất nước.
Nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, với tình cảm thương dân vô hạn, Bác đã bôn ba đến các nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… để tìm đường cứu nước. 8 năm sau ngày rời Tổ quốc ra đi, tại Pháp, Người đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị Versailles Bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới. Sau đó, tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, Người gia nhập Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người đã viết nhiều bài báo đăng trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Năm 1923, sang Liên Xô, làm việc trong Quốc tế Cộng sản và tham gia các tổ chức của người lao động, Nguyễn Ái Quốc được bầu là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo một số thanh niên Việt Nam yêu nước đang sống ở đây. Các bài giảng của Người được tập hợp và in thành cuốn Đường kách mệnh - một văn kiện quan trọng đặt cơ sở cho tư tưởng về đường lối cách mạng Việt Nam. Một năm sau, Người thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, mà hạt nhân là Cộng sản Đoàn, đồng thời ra báo Thanh Niên, nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Báo Thanh Niên là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta). Năm 1930, tại Cửu Long, gần Hương Cảng, Trung Quốc, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam - kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam; kết quả hoạt động của tập thể những chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc. Nhân dịp này, Nguyễn Ái Quốc đã ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức bóc lột đi theo Đảng để giành độc lập dân tộc và thực hiện các quyền tự do dân chủ. Từ năm 1930 đến 1940, tuy ở nước ngoài nhưng Người luôn theo dõi sát phong trào cách mạng của nước ta, đồng thời có những chỉ thị quý báu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta. Năm 1941, về nước, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Năm 1945, người cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1945). Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam bị đế quốc Mỹ biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Cả nước lúc đó đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong muôn vàn khó khăn, Người đã hy sinh quên mình, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người mất đi giữa lúc nước nhà còn chia cắt, song con đường mà Người đã chọn cho dân tộc Việt Nam vẫn được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp bước. Dân tộc Việt Nam đã làm theo Di chúc mà Người để lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Điều tiên tri của Người đã trở thành sự thật. Trong ngày vui đại thắng mùa xuân 1975 và cả những năm sau này, khi đất nước thống nhất, không còn bóng quân xâm lược, hàng triệu hàng triệu người con Việt Nam đã hát vang lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho dân, cho nước. Tên Người đã gắn liền với tên Tổ quốc mỗi khi nhắc đến “Việt Nam - Hồ Chí Minh…”.
P.V