06:02, 01/02/2017

Dưới mái đình xưa

Diên Khánh - tỉnh lỵ của Khánh Hòa thời phong kiến là một vùng đất trù phú, giàu trầm tích văn hóa. Ngày nay, đi về vùng đất Tứ thôn Đại Điền phía tả ngạn sông Cái, chúng ta dễ dàng bắt gặp những mái đình trầm mặc rêu phong hàng trăm năm tuổi.

Diên Khánh - tỉnh lỵ của Khánh Hòa thời phong kiến là một vùng đất trù phú, giàu trầm tích văn hóa. Ngày nay, đi về vùng đất Tứ thôn Đại Điền phía tả ngạn sông Cái, chúng ta dễ dàng bắt gặp những mái đình trầm mặc rêu phong hàng trăm năm tuổi. Ẩn khuất đâu đó dưới mái đình xưa là những trang huyền sử thiêng liêng được truyền qua bao thế hệ.


Hồn cốt làng quê


Ngày cuối năm, tôi tìm về với vùng Tứ thôn Đại Điền (nay là xã Diên Điền và Diên Sơn, huyện Diên Khánh). Trong cái se lạnh đầu đông, đi trên con đường làng quanh co giữa sắc xanh của ruộng vườn, nhìn ngắm những đình, chùa, nhà xưa trong lòng dâng lên một cảm xúc lâng lâng như được trở về với cội nguồn xưa. Theo chân ông Lê Hồi, một cán bộ lão thành cách mạng, tôi ra thăm đình Đại Điền Trung - một trong 4 ngôi đình của vùng đất Đại An xưa. Đình được xây trên mảnh đất cao, có hồ bán nguyệt phía trước, núi sau lưng theo đúng quy luật “tiền thủy hậu sơn”. Không lớn như các đình làng miền Bắc hay Bắc Trung Bộ, đình Đại Điền Trung vẫn khá đẹp khi đại đình (đại bái) vẫn giữ được bộ kết cấu khung gỗ, với những mảng chạm khắc hoa văn trang trí đẹp mắt, mái ngói rêu phong trên nóc đắp cặp đôi lưỡng long tranh châu; sân đình có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát.  

 

Nhìn mái đình xưa, bất chợt nhớ về những năm tháng xa vắng. Ngày còn thơ bé, mỗi lần được về quê, bao giờ tôi cũng chạy ra đình chơi với lũ trẻ những trò đánh khăng, chơi cù hay đơn giản chỉ là trèo lên cây đa già nơi sân đình ngắm nhìn phong cảnh làng quê. Vui nhất là những ngày đầu xuân làng mở hội, già trẻ gái trai kéo nhau ra đình xem trò chơi dân gian như: đá gà, kéo co, đánh bài tứ sắc… Lớn lên chút nữa, tôi mới hiểu cái đình làng ấy là cả hồn cốt văn hóa, lịch sử thăng trầm cả một vùng đất. Đình làng không chỉ in dấu niềm vui hội hè, mà còn là chứng nhân về nỗi khổ đau của người dân quê với tiếng trống ngũ liên đốc thu sưu thuế, nơi những cuộc đấu tố khốc liệt thời cải cách ruộng đất mà ông nội tôi thi thoảng vẫn nhắc ngày trước.

 

Cổng tam quan đình Đại Điền Trung còn nguyên dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Cổng tam quan đình Đại Điền Trung còn nguyên dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”


Bên cái cổng tam quan của đình làng, ông Lê Hồi miên man kể về lịch sử của vùng đất. Từ chuyện bà Thiên Y A Na giáng thế ở núi Đại An, cho đến chuyện những người tiền hiền đi mở đất, chuyện xây dựng đình làng. Chuyện rằng, xã Đại An, phủ Diên Khánh là vùng đất trù phú.  Đến đời vua Tự Đức (1848 - 1883), xã Đại An dân số tăng nên đã được chia thành bốn làng: Đại Điền Đông, Đại Điền Tây, Đại Điền Nam và Đại Điền Trung (mọi người vẫn quen gọi là Tứ thôn Đại Điền). Đình làng cũng được chia thành bốn phần, trong đó Đại Điền Trung lãnh phần Bái đường rồi góp thêm công của, lập đình riêng của mình. Năm 1912 một cơn bão đi qua đã làm sập đình. Ông Nguyễn Thập - chức sắc trong làng đã vận động dân làng dựng lại đình bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Năm 1956, người dân thôn Đại Điền Trung lại góp công, góp của tu sửa lại đình, thay ngói âm dương bằng ngói móc, dựng lại nghi môn, án phong… Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay, người dân Đại Điền Trung vẫn giữ lệ tổ chức cúng đình vào ngày 9 và 10 tháng 3 âm lịch.


Cứ 3 năm một lần, làng Đại Điền Nam lại tổ chức hát bộ vào dịp cúng đình. Lệ từ xưa, những lần đại lễ như vậy, con cháu dù ở xa đều cố gắng về dự lễ. Ngoài ra, hàng năm, làng còn tổ chức cúng tiền hiền vào ngày 3 tháng Giêng, lễ cúng thần nông vào ngày 20-11 âm lịch. Vào ngày lễ, Tết, dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và trời đất phù giúp mưa thuận gió hòa, để mùa màng gặt hái thuận tiện và có nhiều phúc lành. “Tôi mừng vì quê hương ngày một thay đổi đi lên, nhưng mặt khác lòng bỗng nghe buồn, nghe tiếc bởi nhiều nét đẹp văn hóa xưa đã dần mất đi. Người dân quê đã không còn hồn hậu, hội làng mỗi năm mỗi vắng...”, ông Hồi nói ra vẻ luyến tiếc.


Tiếng xưa vọng về


 Theo ông Hồi, trong phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân làng đã tập hợp tại đình khua chiêng, đánh trống kéo đến dinh Tuần vũ ở thành Diên Khánh hỗ trợ Việt Minh cướp chính quyền về tay nhân dân. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra trên cả nước (6-1-1946), đình Đại Điền Trung được vinh dự chọn làm một cụm bầu cử của địa phương. Đến thời kỳ đồng khởi năm 1964 - 1965, đình Đại Điền Trung trở thành một điểm hội họp của cán bộ của vùng Tứ thôn Đại Điền.

 

Lễ tế đình Đại Điền Trung, xã Diên Điền, Diên Khánh
Lễ tế đình Đại Điền Trung, xã Diên Điền, Diên Khánh


Ông Đặng Đức Lý - người từng tham gia đồng khởi kể: “Thời ấy, khí thế cách mạng lên cao lắm, cả một vùng rộng lớn được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở Tứ thôn Đại Điền đã triển khai thực hiện được một số chính sách tiến bộ như: chia ruộng đất cho nông dân; mở trường dạy học phổ thông, bổ túc cho trẻ em và người lớn; đào công sự, xây dựng làng chiến đấu. Ta giữ vùng giải phóng hơn một năm trời”. Theo ông Lý, năm 1965, khi phong trào đồng khởi thắng lợi, người dân đã xây dựng đài liệt sĩ trong khuôn viên đình để tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Bây giờ, trên cổng tam quan đình Đại Điền Trung (Diên Điền) vẫn còn dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” như minh chứng cho nỗi khát khao độc lập, thống nhất đất nước của người dân Tứ thôn Đại Điền suốt mấy chục năm trong chiến tranh.


Chiều cuối năm, nghe chuyện xưa lại thao thức về lớp người đi trước. Ngước nhìn mái ngói rêu phong, chạm tay vào những hoa văn chạm khắc mà lòng cứ bồi hồi xúc động. “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, ở đâu trong cái sân đình này là đài liệt sĩ năm xưa. Tiếng lá cây xào xạc hay tiếng người xưa vọng về như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Nước chúng ta. Nước những người chưa bao giờ khuất. Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Phải chăng, hồn cốt các vị tiền hiền, hậu hiền, các anh linh liệt sĩ đã hy sinh vì nước vẫn còn cư ngụ đâu đây để phù trợ cho mảnh đất này ngày một xanh tươi.  


T.N



 



Theo giáo sư Hà Văn Tấn (sách Đình Việt Nam), từ “đình” xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là vào thế kỷ II, thế kỷ III. Tuy nhiên, thời kỳ ấy đình của các làng mạc Việt Nam chỉ là quán để nghỉ. Thời nhà Đinh, ở Cố đô Hoa Lư đã có dựng đình cho sứ thần nghỉ chân trước khi vào chầu vua. Đến đời Trần, đình là trạm nghỉ chân được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Dưới thời nhà Lê, đình làng đã phát triển, nhiều người giàu có đã bỏ tiền làm đình. Ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ thành hoàng, nơi hội họp của dân chúng có lẽ bắt đầu vào thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc. Kể từ đó, trên con đường Nam tiến, người Việt ở đâu cũng lập làng, dựng đình. Và chỉ khi có mái đình một cái làng mới đúng nghĩa là làng. Đình làng không chỉ là biểu tượng của quyền lực làng xã, mà còn là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.