04:01, 29/01/2017

Vành đai xanh của làng biển

Với người dân ven biển Khánh Hòa, rừng ngập mặn không chỉ là bức tường xanh bao bọc, che chở làng biển mà còn cho nhiều tôm, cá. Nhiều làng biển còn đưa nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn rừng vào hương ước…

Với người dân ven biển Khánh Hòa, rừng ngập mặn không chỉ là bức tường xanh bao bọc, che chở làng biển mà còn cho nhiều tôm, cá. Nhiều làng biển còn đưa nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn rừng vào hương ước…


Hồi sinh rừng ngập mặn


Đứng trên đỉnh đèo Rọ Tượng (Quốc lộ 1), phóng tầm mắt về phía cửa biển xã Ninh Lộc và Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), màu xanh của rừng bần, đước và sú vẹt uốn lượn theo cửa biển như vành đai mềm bảo vệ an toàn cho cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây.

 

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên dưới 600ha rừng ngập mặn, phân bố rải rác ở khu vực: đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, Cam Ranh… Rừng ngập mặn được phục hồi đã và đang đem lại nhiều lợi ích về khí hậu, bảo vệ cuộc sống và mang lại sinh kế cho người dân. Việc phục hồi rừng ngập mặn đang được tỉnh hết sức quan tâm nên diện tích rừng không ngừng được mở rộng.

Trên chiếc ghe nhỏ đưa chúng tôi len lỏi dưới tán đước xanh chằng chịt rễ, ông Nguyễn Công Toàn - Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, trước đây, đầm Nha Phu có diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh lên đến hơn 200ha. Khi phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển, người dân đã đốn hạ cây đước đắp đìa nuôi tôm, khiến diện tích rừng ngập mặn chỉ còn gần 20ha, chủ yếu là những cây nhỏ, thưa thớt. Tuy nhiên, con tôm cũng chỉ trụ được vài năm, đến khi môi trường bị hủy hoại, dịch bệnh tràn lan, diện tích đìa tôm bị bỏ hoang cũng tăng dần. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân phá bỏ đìa tôm quay lại trồng rừng ngập mặn. Hàng ngày, cán bộ địa phương, thôn trưởng đến từng nhà dân vận động, giải thích. Mưa dầm thấm lâu, dần dần người dân thấy được lợi ích từ rừng mang lại nên đã tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng. Nhờ đó, đến nay, diện tích rừng phát triển lên đến hơn 50ha, nhiều cây đã có đường kính thân 40cm, cao hơn 10m, tạo thành bức tường xanh vững chắc che chở làng biển.


Tương tự, trước đây, xã Ninh Lộc cũng có một khu rừng ngập mặn rộng hơn 100ha, nhưng chỉ vì lợi ích riêng, nhiều hộ đã không thương tiếc chặt bỏ rừng làm đìa tôm khiến khu rừng chỉ còn hơn 20ha. Đến khi dịch bệnh, thiên tai tàn phá, người dân mới hiểu được lợi ích của rừng ngập mặn. Để rồi chính họ lại tự thay đổi nhận thức đưa giống bần, đước về trồng. Giờ đây, khu rừng đang ngày một phát triển, mở rộng ra phía biển với diện tích hơn 40ha, tạo thành vành đai vững chắc bao bọc những mái nhà ven cửa biển.


Đàn chim lại trở về


Người quý rừng, rừng cũng không phụ ân tình của người. Không chỉ che chở, bao bọc xóm làng, rừng ngập mặn còn trở thành nguồn sống của nhiều người dân. Rừng được phục hồi, nhiều loại hải sản như: tôm, cua, cá tìm về trú ngụ rồi sinh sôi nảy nở, người dân tha hồ bủa lưới, giăng câu. “Kể từ khi những cánh rừng ngập mặn được tái sinh, số lượng hải sản người dân đánh bắt được cũng tăng rõ rệt. Không những thế, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp chất hữu cơ để tăng năng suất nuôi trồng, phát triển kinh tế vùng ven biển”, ông Lê Văn Hùng, người dân xã Ninh Lộc cho biết. Nhờ lộc từ rừng đước mà cuộc sống của nhiều hộ gia đình thêm phần no đủ. Ông Hùng chia sẻ: “Hàng ngày, vợ chồng tôi đi buông lưới, thả câu cũng kiếm được hơn 300.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học”.

 

Đàn cò lại trở về khi rừng ngập mặn được phục hồi
Đàn cò lại trở về khi rừng ngập mặn được phục hồi


Giờ đây, màu xanh của rừng ngập mặn ngày càng trải rộng, thu hút chim di cư đến trú ngụ. Khi ánh chiều buông xuống cũng là lúc từng đàn cò bay về đậu trắng cả một rừng đước, tiếng cò kêu vang cả rừng. Xen lẫn những cánh cò trắng chao lượn có cả tiếng hót líu lo của các loài chim rừng khác, tạo nên một khung cảnh thanh bình nơi làng quê ven biển. Đối với người dân nơi đây, cò về rừng là báo hiệu điều tốt lành. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn, người dân thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích) cho biết, trước đây, khi rừng đước còn rộng lớn, các loài chim, cò nhiều vô kể, đến khi rừng bị triệt hạ, chim cò bỏ đi hết, cá tôm tự nhiên cũng không còn. Thế nhưng, từ khi rừng ngập mặn được phục hồi, chim, cò lại về nhiều, cá, tôm sinh sôi. Trên những cánh đồng màu mỡ, từng đàn cò nhởn nhơ kiếm mồi, rồi chiều xuống chúng lại rủ nhau tìm về khu rừng ngập mặn trú ngụ. “Chiều chiều, được ngồi ngắm cánh cò chao nghiêng trên khu rừng đước xanh tốt, lòng tôi cảm thấy vui vui, bởi đất có lành thì chim mới đậu”, ông Tuấn chia sẻ.


Gìn giữ cho muôn đời sau


Vào những mùa mưa bão, người dân ở đây không còn lo lắng bị sóng gió, bão lụt, thủy triều gây xói lở bờ đìa. Ông Lê Văn Khánh, người dân xã Ninh Lộc cho biết, có rừng ngập mặn che chắn nên qua mỗi mùa mưa bão, toàn bộ vùng đìa ở đây được giữ vững. Bởi rễ đước, bần đã cắm sâu vào lòng đất, kết thành mạng lưới vững chắc. Thân cây đước vươn cao xanh tốt, tạo thành bức tường ngăn cản lốc xoáy, gió mạnh, tránh ảnh hưởng đến nhà dân. Vì thế, người dân sống quanh tán rừng ngập mặn luôn an tâm vì có rừng đước bảo vệ.

 

Rừng ngập mặn đang phát triển ra phía biển
Rừng ngập mặn đang phát triển ra phía biển


Cũng vì lẽ đó mà người dân thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích) và thôn Tân Thủy (xã Ninh Lộc) đã đưa nội dung giữ gìn, bảo vệ rừng vào hương ước của làng. Ông Trần Danh - trưởng thôn Tân Thủy cho biết, khi đã thấy được lợi ích của rừng thì mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ, bởi đó là tài sản của làng. Ai vi phạm hương ước sẽ bị làng phạt, ai có công sẽ được khen thưởng. Giữ rừng sẽ có cuộc sống ổn định và không lo thiếu đói, bất kể người lớn, trẻ nhỏ trong làng đều phải biết điều đó để thực hiện. Từ quy định trên, mọi người trong làng đều tự giám sát lẫn nhau, bất cứ ai có hành vi xâm hại đến rừng đều bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Không phạt tiền, làng chỉ xử phạt theo luật tục, ai chặt cây thì phải trồng cây khác vào vị trí đã chặt và chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cho cây phát triển xanh tốt.

 

Người dân buông lưới đánh cá dưới tán rừng ngập mặn
Người dân buông lưới đánh cá dưới tán rừng ngập mặn


Được bảo vệ nghiêm ngặt nên rừng ngập mặn không ngừng phát triển, những mầm non cứ thế vươn xanh. Ông Đàm Phương - trưởng thôn Tân Đảo chia sẻ: “Tôi không nhớ được từ ngày nhận bảo vệ rừng đến nay đã ngăn chặn được bao nhiêu vụ xâm hại rừng. Chỉ nhớ đầu năm 2015, làng phát hiện một người dân ở thôn khác đến xâm lấn, chặt cây để làm đìa nuôi tôm, làng đã phạt người này bằng cách buộc phải trồng cây khác thay thế và phải chấm dứt việc vi phạm đất rừng của làng”. Bảo vệ rừng bằng hương ước, luật tục là cách làm hay bởi việc đó không chỉ dừng lại ở việc răn đe mà còn có tính nhân văn, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.


Văn Giang