08:01, 30/01/2017

Chuyện những nỏ thủ

Ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), không chỉ có những người lớn tuổi mà thế hệ trẻ cũng đam mê bắn nỏ. Tuy nhiên, thú chơi này rồi sẽ dần mai một nếu không được bảo tồn.

Ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), không chỉ có những người lớn tuổi mà thế hệ trẻ cũng đam mê bắn nỏ. Tuy nhiên, thú chơi này rồi sẽ dần mai một nếu không được bảo tồn.


Niềm đam mê cung nỏ


Năm nào cũng vậy, hội thi bắn nỏ của huyện Khánh Vĩnh cũng thu hút nhiều người tham gia. Pi Năng Thị Huyền - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Khánh Thượng tuy mới 26 tuổi nhưng đạt nhiều thành tích bắn nỏ: năm 2013, 2015 đoạt huy chương vàng, năm 2016 Huyền lại giành huy chương bạc. Huyền cho biết, ngày còn nhỏ, Huyền thường theo cha lên rẫy, thấy cha dùng nỏ bắn chim thú, Huyền rất thích và đòi cha cho bắn thử. Đến năm 2013, Huyền đăng ký thi cùng đội Khánh Thượng và nhờ cha tập 1 - 2 buổi nhưng thành tích của Huyền khiến ai cũng kinh ngạc. Huyền chia sẻ: “Thật ra học bắn nỏ không phức tạp lắm, chỉ cần tâm lý ổn định sẽ đạt giải cao. Lần đầu thi tôi rất run và lo lắng, nhưng tôi cố gắng tập trung. Sau khi bắn, thấy kết quả mỹ mãn nên càng có động lực bắn tiếp. Mỗi lần mũi tên xé gió bay đi trúng đích, người tôi sướng rơn”.
Già Pi Năng Đông (thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng) nay đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe không còn tráng kiện như trước nhưng vẫn nhớ mãi những lần đối mặt với bia bắn nỏ. Già kể, giống hệt như bia bắn súng, mục tiêu của nỏ là hồng tâm cách xa 20m, người thi (2 tư thế: đứng hoặc quỳ) bắn lọt vào vòng 10 thì đạt 10 điểm. Tất cả có 6 lần bắn, tối đa 60 điểm. Người thi được bắn thử 2 phát đầu, phát thứ 3 bắt đầu tính điểm. “Năm 2014, già đạt 52 điểm, được giải bạc; mới đây, già chỉ được 28 điểm, đạt giải khuyến khích. Do tuổi cao, tay run nên không còn chính xác như ban đầu. Tuy trải qua nhiều lần thi nhưng mỗi lần bước vào vị trí ngắm bắn, già vẫn thấy hồi hộp…”, già Đông chia sẻ.

 

Không còn nhiều người biết làm nỏ
Không còn nhiều người biết làm nỏ


Rất nhiều nỏ thủ có thành tích, bởi họ có niềm say mê cung nỏ không dứt. Ông Cao Mà Ría (Đá Trắng, Cầu Bà) là trường hợp như vậy. Con gái ông cho biết, cha cô vẫn say sưa tập luyện, làm bia bằng thân cây chuối và hàng ngày vẫn đam mê ngắm bắn. Ông đã từng đoạt huy chương vàng tại hội thi bắn nỏ huyện Khánh Vĩnh.


“Giữ lửa” cho đời sau


Theo các cụ cao niên, thời hoàng kim của nỏ cách đây khoảng 25 - 30 năm. Khi đó rừng Khánh Vĩnh còn bạt ngàn, thú rừng sinh sôi, phát triển. Khu vực rừng trải dài từ Khánh Nam tới Khánh Trung, Khánh Hiệp là vùng người dân tập trung săn bắn thú rừng. Mỗi người lên rẫy thường mang theo nỏ, tên, rìu, rựa để phòng thân. Ngoài ra, khu vực sông Máu (thôn Tà Gộc) cũng là địa danh nổi tiếng có nhiều thú dữ. Già Chà Yến (thôn Đá Trắng, Cầu Bà) nhớ lại, ngày còn trẻ, ông theo cha lên rừng săn bắt, dùng nỏ bắn được cả cọp, gấu. Tới thời của già, thú dữ không còn. Ngày nay, người ta đi săn chủ yếu bắt các động vật nhỏ như: heo rừng, mang (hoẵng), sóc, nhím, chim… Tuy nhiên, việc săn bắn không còn dùng nỏ, người dân chỉ dùng nỏ để trang trí hay thi đấu.

 

Niềm đam mê bắn nỏ vẫn còn trong máu những nỏ thủ
Niềm đam mê bắn nỏ vẫn còn trong máu những nỏ thủ


Đến thời điểm này, người biết chế tạo nỏ không còn nhiều. Theo già Pi Năng Đông, cả xã chắc chỉ còn dăm người, gồm già và các ông: Pi Năng Bận, Pi Năng A Lẻo, Pi Năng Là Bang là làm được nỏ. Tuy nhiên, cũng như những người khác, ông Đông không có nhiều đơn đặt hàng, thậm chí cả tháng không có đơn nào. Việc chế tạo nỏ cũng chỉ là niềm vui, làm quà là chính, bởi có bán cũng không được bao nhiêu, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/chiếc nhưng rất vất vả và mất thời gian.  


Già Chà Yến - người có kinh nghiệm làm nỏ cho biết, làm nỏ rất công phu, đòi hỏi người thợ không chỉ am hiểu về tính năng của nỏ, cây gì thích hợp mà còn áp dụng các quy luật vật lý. Nỏ có 2 bộ phận chính là băng ná (nằm ngang) và thân ná (đặt dọc). Băng ná phải dùng cây lồng mứt (si-cho) mới đủ độ dẻo, sức bật. Thân ná cứng, chắc làm bằng cây rọi, có mủ vàng, thân trắng, ruột đỏ, chỉ tìm thấy ở khu vực sông Giang (xã Khánh Bình). Còn dây kéo làm bằng cây dang hay mò o bện lại, ngày nay người ta dùng dây cáp thép tạo xung lực tốt hơn, bền, dễ kiếm. Ngoài ra, làm cò nỏ cũng rất phức tạp, bằng gạc nai hay nhôm nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ bởi chi tiết này rất dễ gãy. Tên làm bằng tre lồ ô già, phơi khô rồi hong lửa tạo độ dẻo, đầu trên vót nhọn, dưới gắn tấm lá dứa tạo ổn định khi tên bay. Các bộ phận của nỏ sau khi thi công thô, ngâm vào nước sôi nhiều giờ để tạo độ dẻo, độ uốn phù hợp. Sau đó mới lấy ra tạo dáng chuẩn.

 

Già Pi Năng Đông chuẩn bị gùi, nỏ lên rẫy
Già Pi Năng Đông chuẩn bị gùi, nỏ lên rẫy


Anh Sa Đước - cán bộ văn hóa thông tin xã Cầu Bà cho hay, cả xã hiện chỉ còn 3 người biết làm nỏ. Thời gian trôi qua, những thợ nỏ cũng già và ra đi, người trẻ không còn đam mê thú bắn nỏ và càng không muốn làm nỏ bởi kỹ thuật quá phức tạp, công phu. “Ai sẽ bảo tồn nghề truyền thống này để mai kia con cháu có dịp tham gia những hội thi bắn nỏ? Mong Nhà nước sớm quan tâm, có chính sách, biện pháp để bảo tồn loại hình này”, anh trăn trở.


V.L



 



Ông Nguyễn Quốc Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Khánh Vĩnh: Hiện nay, phong trào bắn nỏ của huyện vẫn được duy trì hàng năm. Các giải vô địch bắn nỏ cũng như hội thao các dân tộc miền núi được tổ chức định kỳ nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bảo tồn môn bắn nỏ. Duy trì thi đấu bắn nỏ và triển lãm các hoạt động môn bắn nỏ là giải pháp góp phần bảo tồn loại hình này.