06:02, 03/02/2014

Chàng sinh viên và nghệ thuật hội họa biểu diễn

Trong cuộc thi Vietnam Got's Talent vừa qua, nhiều khán giả rất ấn tượng đối với chàng sinh viên kiến trúc sinh năm 1991 Phạm Hồng Minh với những màn vẽ biểu diễn đầy xúc cảm. Nhưng ít ai biết rằng, Minh là cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An, Nha Trang. Đối với Minh, mảnh đất Nha Trang chính là cái nôi nuôi dưỡng con đường nghệ thuật của anh…

Trong cuộc thi Vietnam Got’s Talent vừa qua, nhiều khán giả rất ấn tượng đối với chàng sinh viên kiến trúc sinh năm 1991 Phạm Hồng Minh với những màn vẽ biểu diễn đầy xúc cảm. Nhưng ít ai biết rằng, Minh là cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An, Nha Trang. Đối với Minh, mảnh đất Nha Trang chính là cái nôi nuôi dưỡng con đường nghệ thuật của anh…


Cứ nghĩ đến hội họa, người ta lại liên tưởng hình ảnh người họa sĩ miệt mài, hý hoáy nào cọ nào sơn trên khuôn vải, trang giấy cả giờ, cả ngày, thậm chí cả tháng bên giá vẽ mới hoàn thành tác phẩm. Thế nhưng, có một loại hình mà chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau cú “úm ba la” của người họa sĩ, bức tranh đã hiện ra với muôn vàn sắc màu cảm xúc… khiến khán giả không khỏi ngạc nhiên, sửng sốt. Đó chính là nghệ thuật hội họa biểu diễn…


Bước ngoặt đầu đời

 


Màn trình diễn của Phạm Hồng Minh trong chương trình Vietnam Got’s Talent 2012 đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Minh đã có đến 3 cách thể hiện khác nhau trong 3 phần thi, từ bức tranh nghệ sĩ Thành Lộc bằng kim tuyến, Huy Tuấn bằng lửa và người mẫu Thúy Hạnh bằng hiệu ứng ánh sáng. Với sự sáng tạo trong nghệ thuật hội họa và nghệ thuật biểu diễn đầy biến hóa trên sân khấu mà Minh được nhiều người yêu mến gọi là “chàng phù thủy hội họa”.


Minh là con út trong gia đình có đến 6 anh chị em ở vùng quê nghèo. Ba mất sớm, gánh nặng kinh tế chồng chất lên vai mẹ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Vì hoàn cảnh ấy, Minh học rất sa sút và chẳng có định hướng gì cho tương lại. Có lẽ cuộc đời Minh sẽ khác đi nhiều nếu như anh không đến Nha Trang… Ngay từ nhỏ, Minh đã thích vẽ và vẽ đẹp. Có lần, Minh vẽ tờ 10.000 đồng khiến nhiều người tưởng lầm tiền thật… Chính vì năng khiếu ấy mà người dì ruột đã đón Minh về Nha Trang, cho học tại Trường Chu Văn An (nay là Trường Ischool Nha Trang). Và chính mảnh đất này đã khiến Minh hoàn toàn thay đổi. Cảnh sắc tuyệt đẹp của Nha Trang đã khơi gợi những cảm xúc vô tận trong Minh. Minh càng ngày càng đam mê hội họa và Nha Trang là môi trường thích hợp để Minh thỏa mãn niềm đam mê. Được dì dượng cho học vẽ, Minh như một chú chim non được chắp cánh để vùng vẫy trong bầu trời nghệ thuật. Nhận được tình yêu thương và cả sự nghiêm khắc của dì dượng, sự động viên, giúp đỡ của cô Đàm Thị Uyên Linh (giáo viên Trường Chu Văn An) cùng bạn bè, Minh vượt qua những khó khăn trong học tập, trở thành một học sinh giỏi và trúng tuyển Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Chính trong môi trường học tập đầy tính chuyên nghiệp này, Minh đã được học hỏi và tự mình hoàn thiện khả năng rất nhiều. Những gì Minh làm được trên sân khấu Vietnam got’s Talent là điểm ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc của cậu học trò TP. Nha Trang thuở nào.


Mang hội họa biểu diễn đến công chúng

 

Hội họa biểu diễn đã giúp các màn trình diễn của các nghệ sĩ khác thêm phần hấp dẫn.
Hội họa biểu diễn đã giúp các màn trình diễn của các nghệ sĩ khác thêm phần hấp dẫn.


Đến với sân khấu lớn, được phát sóng truyền hình trên cả nước, Minh rất muốn thử sức mình. Với suy nghĩ muốn giới thiệu cho mọi người biết về khả năng giải trí của hội họa, Minh đã tìm tòi và thử nghiệm rất nhiều để cống hiến cho khán giả. Để tạo được một tác phẩm hội họa đích thực, họa sĩ phải dồn nhiều tâm huyết cả về thời gian và cảm hứng sáng tạo. Nhưng với hội họa biểu diễn, cái quan trọng là tác phẩm phải có hồn, hoàn thành trong thời gian ngắn, họa sĩ phải giấu được ý đồ để khi tới điểm nhấn thì mới khiến khán giả bất ngờ, thích thú. Và để làm được điều đó, họa sĩ phải có khả năng khắc họa nhanh. Quan trọng là phải sáng tạo phương pháp, chất liệu vẽ để luôn bảo đảm bí mật đến phút chót. Với khả năng sẵn có, Minh có thể khắc họa nhân vật rất giống bằng ứng dụng sự tương phản màu sắc chứ không vẽ nét. Minh cho biết: “Cách vẽ này giúp họa sĩ giấu được ý đồ, tuy vẽ đơn giản nhưng để vẽ giống phải nắm bắt và thể hiện được những chi tiết đặc trưng”. Còn đối với hiệu ứng, họa sĩ cần liên tục sáng tạo để khán giả không thể đoán trước, mà nếu có đoán trước cũng phải bất ngờ khi tác phẩm hiện ra. Khi tham gia Việt Nam Got’s Talent, Minh phải suy tư và bỏ nhiều công sức để tìm chất liệu tạo hiệu ứng. Với bức tranh vẽ Thành Lộc, anh đã thực sự gây bất ngờ với màn hất kim tuyến lên bức tranh đã được vẽ bằng… nước bột mì. Đến màn vẽ Huy Tuấn bằng lửa, Minh đã nghiên cứu thử nghiệm mãi mới tìm được loại bông mà khi đốt cháy sẽ kết hợp với các hóa chất đã dùng để vẽ, tạo nên đường nét cho bức tranh. Đặc biệt trong bức tranh vẽ Thúy Hạnh, đó thực sự là một tác phẩm đầy sáng tạo khi Minh đã tìm tòi và ứng dụng thành công loại mực phản quang đặc biệt. 2 bức tranh được lồng vào nhau và mỗi bức sẽ xuất hiện hay mất đi một cách mê hoặc cùng với hiệu ứng ánh sáng. Rất tiếc là người xem chỉ có thể cảm nhận hết hiệu ứng khi trực tiếp xem trên sân khấu, vì khi truyền qua truyền hình, hiệu ứng ấy bị giảm rất nhiều.


Kết thúc cuộc thi, tuy không đạt thứ hạng cao nhưng những gì Minh đem đến đã mở ra một hướng mới không chỉ cho riêng anh mà cả các nhà tổ chức biểu diễn. Sau chương trình, người mẫu Thúy Hạnh và nhiều tổ chức đã mời Minh tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ở các nơi biểu diễn, Minh đã vẽ hàng loạt tác phẩm và luôn tạo ra sự thích thú cho đông đảo khán giả. Anh không ngừng sáng tạo để làm mới mình và tiếp tục phát triển nghệ thuật hội họa biểu diễn.


Ấp ủ một mơ ước riêng


Đến nay, Minh đã tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn của các nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp. Đặc biệt, anh rất tích cực khi tham gia các chương trình biểu diễn từ thiện. Chẳng hạn, bức tranh anh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần biểu diễn quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt đã được đấu giá cả ngàn USD. Minh tâm sự rằng, đây là điều đã mang lại nhiều niềm vui khiến anh cảm thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn. “Tôi sẽ chẳng có ngày hôm nay nếu không được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Vì thế, trong phạm vi của mình, tôi mong muốn được chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn” - anh chia sẻ.


Mong ước hiện tại của Minh là tiếp tục tự học và học hỏi thật nhiều kinh nghiệm của các bậc đàn anh trong nghề, hoàn thành tốt chương trình ngành mỹ thuật ứng dụng ở Đại học Kiến trúc. Khi được hỏi về dự định tương lai, Minh bật mí sẽ nghiên cứu các loại hình hội họa biểu diễn khác như vẽ tranh cát, tranh nước, sơn xịt… Anh cũng hé mở rằng, đối với anh, Nha Trang luôn là miền đất đầy tiềm năng về hội họa và mong muốn sau này sẽ có nhiều gắn bó với thành phố biển xinh đẹp mà mình đã được sống, học tập và yêu mến. “Biết đâu, tôi sẽ mở một trung tâm dạy hội họa biểu diễn theo yêu cầu của người hâm mộ?”, Minh cười…


Thùy Minh