03:02, 03/02/2014

Chuyện những "anh nuôi" nghiệp dư

Thực hiện những bữa ăn cho hàng trăm người trong điều kiện mưa to, sóng dữ; giấc ngủ cũng luôn chập chờn theo từng cơn gió lạnh, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trong vai trò "anh nuôi" đã để lại hình ảnh đẹp về người lính không quản ngại khó khăn và đón nhận hết những gian khổ về phần mình.

Thực hiện những bữa ăn cho hàng trăm người trong điều kiện mưa to, sóng dữ; giấc ngủ cũng luôn chập chờn theo từng cơn gió lạnh, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trong vai trò “anh nuôi” đã để lại hình ảnh đẹp về người lính không quản ngại khó khăn và đón nhận hết những gian khổ về phần mình.


Trổ tài “bếp trưởng” theo từng con sóng dữ

 

Tổ phục vụ luôn phải đánh vật với sóng to, gió lớn.
Tổ phục vụ luôn phải đánh vật với sóng to, gió lớn.


Những ngày tháng 6-2013, con tàu HQ 936 đưa chúng tôi ra Trường Sa. 3 giờ sáng, khi những cơn mưa kèm gió cấp 8, giật cấp 9 vẫn xối xả quất vào mạn tàu, Trung úy Trần Thái Dương - Trung đội trưởng Trung đội Vận tải Lữ đoàn 146 - Vùng D Hải quân cùng 3 quân nhân chuyên nghiệp và 5 hạ sĩ quan đã thức giấc. Bữa sáng cho hơn 130 người phải được các “anh nuôi” hoàn thành trước 6 giờ. Giữa ánh sáng lờ mờ của chiếc bóng đèn đã cũ, Trung úy Hoàng Đăng Việt trong chiếc áo mưa đã xơ nát vì gió mạnh vẫn đảo đều tay chảo thịt xào lăn. Nấu ăn đã là việc không dễ dàng, nấu ăn trong điều kiện tàu chao đảo như thế này, anh lính vốn là Đội trưởng xe tăng vẫn tay cầm đũa, tay kia giữ chặt chiếc chảo chỉ chực bay ra khỏi bếp, chân đứng thế “trung bình tấn” để chống chọi với những ngả nghiêng của thân tàu. Vậy nhưng anh vẫn vui vẻ “khoe” chức vụ bếp trưởng một cách hóm hỉnh: “Là trưởng xe tăng, dầu mỡ, máy móc tay đã quen làm. Nay lần đầu tiên được tham gia phục vụ trên tàu ra đảo Trường Sa với vai trò bếp trưởng, tuy không dễ dàng nhưng bù lại tôi học hỏi được thêm những kiến thức về nấu nướng để hiểu thêm về phần việc chủ yếu là của các mẹ, các chị”.

 


Theo Trung úy Dương, Tổ trưởng tổ phục vụ, bên cạnh “bếp trưởng” Việt, Trung úy Nguyễn Duy Sơn là một “bác tài” xe tăng giỏi, có thể điều khiển chiến xa nặng hàng chục tấn một cách dễ dàng nhưng chuyện bếp núc cho hơn trăm người thì chưa hề kinh qua. Vậy nhưng, trước nhiệm vụ mới mẻ này, tổ phục vụ vẫn hàng ngày hoàn thành một cách xuất sắc 4 bữa ăn giữa điều kiện mưa to, sóng dữ. Ngoài bữa sáng và bữa khuya chủ yếu ăn cháo, mì, miến..., 2 bữa chính là cơm, canh, rau và 3 món mặn. Mỗi ngày, mỗi món mặn như cá, thịt, các chiến sĩ phải nấu tới 14kg/món, 40kg rau củ và 80kg gạo. Lượng thức ăn lớn, các đầu bếp phải chia ra nấu nhiều lần, thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Trung úy Trần Nguyên Hồng - chuyên phụ trách nấu cơm chia sẻ: “40kg gạo cho mỗi bữa ăn được chia vào 7 nồi nấu cơm điện loại lớn. Khi sóng đánh liên tục, nồi cơm không được “yên ổn”, phải liên tục đổ thêm nước sôi để bù lại lượng nước bị hắt ra ngoài. Trong hoàn cảnh đó, làm sao để nồi cơm không biến thành cháo sống hay cháy, khê quả thật không hề dễ dàng”.

 

Chỉ có 9 người phục vụ 4 bữa ăn mỗi ngày cho hơn 130 người trên tàu là khối lượng công việc khổng lồ.
Chỉ có 9 người phục vụ 4 bữa ăn mỗi ngày cho hơn 130 người trên tàu là khối lượng công việc khổng lồ.


Việc chế biến, nấu nướng đối với những chiến sĩ chỉ quen với máy móc, xe cộ đã khó, nhưng làm sao để chia đều cho từng bữa ăn được cân đối, hợp lý lại càng trở nên khó hơn. Việc này trông cậy vào “thủ kho” Thiếu úy Đinh Văn Châu. Từ chỗ là khẩu đội trưởng pháo binh, anh Châu giờ đây làm quen với việc tính toán từng kg thịt, cá, canh, rau cho từng ngày, từng bữa. Nhất là khi chuyến đi kéo dài hơn so với dự kiến do mưa bão, việc gia giảm khẩu phần cho từng bữa ăn cũng phải được tính toán chi tiết nhất.


Nhận phần gian khó về mình


Tàu HQ 936 thuộc Hải đội 412, Lữ đoàn 162, Bộ Tư lệnh Vùng D Hải quân chở theo gần 170 người (kể cả thủy thủ đoàn) đến với 3 đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 28-6-2013. Chuyến đi trải qua 2 đợt áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1 đợt áp thấp mạnh lên thành bão. Trong 17 ngày lênh đênh giữa đại dương ấy, hầu như con tàu đều ngập chìm trong thời tiết không thuận lợi. Điều này khiến cho những người khỏe mạnh nhất cũng phải mệt nhoài theo những con sóng dữ.


Sau quãng thời gian mỗi ngày làm việc ở cường độ cao suốt từ 3 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm, các chiến sĩ tổ phục vụ tự tìm cho mình một góc hành lang để ngả lưng, nhường phòng ngủ cho đoàn công tác. Nơi “yêu thích” của các anh là mái hiên nhà bếp của tàu, nhưng mái hiên nhỏ không che được gió mưa. Một đêm, trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Trần Thái Dương lôi tấm áo mưa như xơ mướp, nhàu, rách vì gió ra cho biết: “Ngủ ở đây phải trang bị sẵn áo mưa. Nhiều đêm, trời trở mưa nhưng phần vì mệt quá, phần vì cũng chẳng biết tìm chỗ ngủ ở đâu, nhiều chiến sĩ đã mặc luôn áo mưa để ngủ”. Không nói ra, chúng tôi cũng có thể hình dung những vất vả không chỉ trong công việc mà cả trong giấc ngủ các anh đã trải qua. Nằm trong căn phòng kín gió mà đa số thành viên trong đoàn công tác đều khó ngủ theo những rung lắc của thân tàu, huống gì bên mái hiên trống trải và lạnh giá, thậm chí là những hạt mưa như đâm vào da thịt. Vậy nhưng, vất vả mấy các anh cũng có thể vượt qua, chỉ mong hơn 130 người mà các anh đang phục vụ 4 bữa ăn mỗi ngày hiểu và thông cảm cho những lúc cơm chưa thật chín đều, gia giảm món ăn có lúc chưa vừa miệng.


Ngoài những lúc “làm xiếc” trong bếp và ngả lưng ở một góc hành lang khi đêm về, khi tàu cập đảo, các chiến sĩ tổ phục vụ lại thay tạp dề bằng bộ quân phục, thực hiện vai trò công binh của mình với việc vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa từ tàu lên đảo và từ đảo chuyển lên tàu. Cũng bởi sóng to gió lớn, tàu HQ 936 phải vận chuyển hàng hóa thông qua trung chuyển. Người và hàng hóa được chuyển xuống các xuồng nhỏ đi vào đảo. Nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và hàng hóa trong quá trình di chuyển qua đảo và từ đảo trở về tàu được đặt lên trên hết. Trong điều kiện sóng lớn, nhiệm vụ ấy được các chiến sĩ hoàn thành sau khi đã mệt nhoài và ướt sũng vì đánh vật với từng cơn sóng. Và rồi, các anh lại trở về với chiếc tạp dề để tiếp tục nấu ăn thay vì lên đảo bởi trên tàu vẫn còn người ở lại. “Nhìn thấy Trường Sa là vui rồi. Hy vọng lần sau sẽ được lên đảo” - một hạ sĩ quan trong tổ phục vụ ngập ngừng và tỏ ra tiếc nuối.


Cũng như nhiều người trong hành trình đến với Trường Sa, trong lần đầu tiên được đặt chân đến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, được trò chuyện, tâm tình để hiểu thêm cuộc sống, sinh hoạt của các chiến sĩ và người dân trên đảo, chúng tôi coi đây là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Và một phần trong đó, hẳn sẽ không ai có thể quên những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trong tổ phục vụ, hiểu hơn về tinh thần người chiến sĩ quân đội không quản ngại gian khó trước bất cứ nhiệm vụ nào.

 

CÔNG ĐỊNH