08:02, 04/02/2011

Trường Sa - Từ một gốc nhìn vui

Trường Sa - nơi đảo chắn sóng phía cực Đông Tổ quốc, nơi in đậm ấn tượng về những chiến sĩ trẻ ngày đêm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng ít người biết, còn có một cuộc sống thường nhật rất đỗi bình dị, cũng hoa lá, chim chóc cùng những vật nuôi hiền lành, dễ thương…

Trường Sa - nơi đảo chắn sóng phía cực Đông Tổ quốc, nơi in đậm ấn tượng về những chiến sĩ trẻ ngày đêm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng ít người biết, còn có một cuộc sống thường nhật rất đỗi bình dị, cũng hoa lá, chim chóc cùng những vật nuôi hiền lành, dễ thương…

Góp nhặt từ những chuyến hải trình ra đảo, xin giới thiệu với bạn đọc một số hình ảnh về Trường Sa qua góc nhìn vui.

Đó là hình ảnh một chiến sĩ Hải quân đứng gác tại đảo Sinh Tồn Đông, ngay phía trên là một cánh chim bồ câu chấp chới bay về tổ, nơi hai con chim bồ câu đang gù như khát vọng hòa bình của những người lính  Trường Sa.

Không chỉ có chim bồ câu mang từ nhà ra là bạo dạn, đến “chú” chim én biển, sau mấy vòng lượn cũng không ngần ngại đậu lên bàn tay anh Hồ Ngọc Tấn - chiến sĩ đảo Đá Nam. Mới hay “đảo lành, chim đậu”.

Cùng với chim trời, cá nước…, nơi đảo xa còn có tiếng cục ta cục tác vọng từ một ngôi nhà, tiếng lúc túc của “anh” gà trống đứng dưới hoa nắng của tán phong ba như cái hồn Việt nơi làng đảo thân thương.

Không những “anh chị” Hợi, Dậu… góp thành âm thanh “gà kêu, lợn éc” rất gợi về một làng quê Việt, trên đảo còn có nhiều vật nuôi gần gũi, mà nhiều nhất phải kể đến họ nhà… Tuất. Không phải “sinh đẻ có kế hoạch”, những “gia đình Tuất” ở Trường Sa luôn duy trì con đàn cháu đống… mà “đội hình” những “chú Tuất” trong ảnh như chỉ thể hiện một phần số lượng “đội quân” Tuất được nuôi tại đảo Đá Thị.

Nói về mối “thân tình” giữa chủ và vật nuôi, ở Trường Sa, sẽ không lạ chuyện cánh lính, vì cưng nựng quá, mạo muội lấy cả tên ca sĩ, người mẫu ưa thích để đặt tên cho những “anh chị”… Tuất đáng yêu. Nên đừng ngỡ ngàng nếu ra đảo, nghe một chiến sĩ gọi âu yếm: “Thanh Hương ơi, ra đón khách”, rồi nhìn thấy một… cô Tuất lũn cũn vẫy đuôi chạy lại. Cũng thú vị chứ, nếu bạn được “nàng” Thanh Hương vào nhà, lần lượt cắp từng “chú” cún con mũm mĩm ra, thân thiện đặt vào lòng

Sự “hiếu khách” của mấy “cô cậu Tuất” ở Trường Sa đôi khi khiến khách nơi xa phải xúc động đến nao lòng, ví dụ như khi bạn đến thăm làng đảo Đá Thị, từ lúc xuồng chở khách còn cách bờ hơn 1km, đã thấy những “chú” Tuất bơi ra tận xuồng đón khách

Nhưng vẫn là sơ suất nếu trong câu chuyện ngày Xuân, đặc biệt bên thềm Xuân Tân Mão này, lại  thiếu sự góp mặt của những “anh chị”… Mão. Không “con đàn cháu đống”, cũng không có chuột để vồ khi mà xung quanh là muôn trùng sóng nước, tiếng meo meo của các “anh chị”… Mão trên đảo chỉ mong góp phần cùng bộ “tam cầm lục súc” dậu - tuất - hợi… làm ấm không gian làng đảo. Chính vì vậy, đôi “anh chị” Mão đã được chiến sĩ Nguyễn Văn Trường (đảo Đá Lớn B) phấn khởi cho… nhập khẩu làm “công dân đảo”

Đất lành, con vật dường như cũng hiền lành. Những “chú” Mão, “chị” Tuất ở Trường Sa cũng thân thiện, hòa bình với nhau .

 

Sau khi chén no nê, những “chú” mèo lại “ngự” lên tấm đắp của chiến sĩ và đánh giấc ngon lành.

                                                                                                                                                                             L.B.D