12:02, 02/02/2011

Thị trường vàng Một năm sóng gió!

Tổng kết 1 năm “lướt sóng” cùng vàng, bà H. ngậm ngùi vì đã lỗ gần 200 triệu đồng. Bà kể: “Khi thấy vàng giữ giá liên tục suốt mấy tháng liền, tôi đã bán hơn 20 lượng để gửi tiền vào ngân hàng. Nhưng chỉ 1 tuần sau, giá vàng từ 26,4 triệu đồng/lượng đã liên tục tăng,...

Tổng kết 1 năm “lướt sóng” cùng vàng, bà H. ngậm ngùi vì đã lỗ gần 200 triệu đồng. Bà kể: “Khi thấy vàng giữ giá liên tục suốt mấy tháng liền, tôi đã bán hơn 20 lượng để gửi tiền vào ngân hàng. Nhưng chỉ 1 tuần sau, giá vàng từ 26,4 triệu đồng/lượng đã liên tục tăng, tăng không ngừng và chỉ dừng ở ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Tiền lãi ngân hàng chỉ bù được khoảng 10%”. Còn chị N., khi vàng lên đến 34 triệu đồng/lượng, chị đã vội bán ra để hy vọng kiếm ít lời. Nhưng sau thời gian ngắn, vàng lại vọt lên đến 38 triệu đồng/lượng, khiến chị “đau cả ruột gan”, đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai vì vàng vẫn đứng ở mức cao; nếu mua lại, vẫn cầm chắc lỗ gần 2 triệu đồng/lượng.

Không chỉ dân thường, ngay nhiều “chuyên gia” cũng không lường được biến động của thị trường này. Giám đốc một ngân hàng thương mại ở Nha Trang kể: “Tôi mua vàng khi ở mức giá 26 triệu đồng/lượng. Khi vàng lên đến 29 triệu đồng/lượng, tôi cứ nghĩ đây là đỉnh cao, nên vội vàng bán ra. Kết quả ra sao, chắc ai cũng biết…”. Giá vàng trong những ngày cuối năm tăng giảm thất thường nhưng không tái lập được mốc giá 37 - 38 triệu đồng/lượng, khiến khả năng hoàn vốn cho những người lỡ mua bán ở giá kỷ lục trở nên xa vời.

Mức độ sinh lời khủng khiếp của vàng đã khiến nhiều người lao vào “lướt sóng”. Tuy nhiên, đây không phải việc dễ dàng. Năm trước, khi còn sàn giao dịch vàng, nhiều người “lướt sóng” vàng còn “chết thảm” hơn vì thua lỗ. Bởi lẽ, khi giá vàng thay đổi bất thường thì khoảng cách giữa giá mua và giá bán thường được nới rộng ra. Thời điểm giá vàng lập kỷ lục 38,2 triệu đồng/lượng, người bán ra cũng chỉ bán được ở mức giá 36 triệu đồng/lượng, khoảng cách giữa giá mua và giá bán lúc này đến gần 2 triệu đồng/lượng. Vì vậy, người muốn “lướt sóng” vàng rất khó có cơ hội thu lời. Chỉ  những người ưa mạo hiểm, chịu được rủi ro và chỉ “lướt sóng” trong thời gian ngắn thì mới có thể tham gia, nếu không chỉ nên đứng ngoài cuộc. Đó là chưa kể sự căng thẳng khi theo dõi giá vàng lên xuống mỗi ngày để kịp thời quyết định bán hay mua. Giá vàng càng biến động thì càng bất an và lo lắng hơn…

Nhiều người nghĩ, giá vàng biến động là giới kinh doanh vàng trúng đậm, nhưng không hẳn vậy. Chủ một tiệm vàng trên đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) cho biết: Khi vàng biến động là lúc chúng tôi vất vả nhất. Lúc nào cũng hai tay 2 - 3 điện thoại, đầu này vừa mua vào, đầu kia phải kiếm chỗ bán ngay. Chúng tôi phải tính toán, cân nhắc thật kỹ, vì trạng thái cân bằng giữa mua và bán hiện không tính theo ngày mà theo giờ cho mỗi vòng xoay vốn. Bây giờ, giá vàng biến động bất thường, hầu như không chủ tiệm vàng nào dám “ôm vàng” qua đêm...

Trong năm qua, giá vàng quốc tế đã tăng 26%, trong khi giá vàng trong nước tăng đến 46%. Cũng trong thời gian này, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 12,5%, còn chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 2,7%. Trong khi đó, giá USD tự do chỉ tăng khoảng 9,4%. Những con số này cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế, vàng là kênh đầu tư có khả năng sinh lợi tốt trong năm qua. Đây là năm tăng giá thứ 10 liên tục của vàng quốc tế. Giá vàng thế giới tăng là do chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các nền kinh tế phát triển đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến với những kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn, đặc biệt là Mỹ; cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, mối lo lạm phát leo thang tại các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc… Trong khi đó, xu hướng của thị trường vàng Việt Nam hoàn toàn khác với quy luật vàng thế giới. Giá vàng trong nước tăng với tốc độ cao hơn là do sự hỗ trợ của giá USD tại thị trường tự do và tình trạng đầu cơ.

Theo đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới, 10 năm qua không xảy ra “khủng hoảng bong bóng” vàng, mặc dù nhu cầu và giá vàng tăng liên tục. Vì vậy, các ngân hàng trung ương của các nước như: Nga, Ấn Độ… đã gia tăng mua vàng; bên cạnh đó, không có ngân hàng trung ương châu Âu nào (kể cả Mỹ - nước dự trữ vàng lớn nhất) bán vàng ra, dù giá vàng đã tăng liên tục trong hơn 1 năm qua. Cũng vì lẽ đó, bước sang năm mới, vàng là mặt hàng được nhiều chuyên gia dự đoán về mức giá với số lượng áp đảo, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Tuy không ai dám khẳng định giá vàng ở mức nào, nhưng theo các chuyên gia, chắc chắn giá vàng sẽ tiếp tục tăng vọt trong những tháng tới. Golman Sachs dự báo: Mục tiêu của vàng trong 12 tháng nữa là 1.690 USD/Oz, còn Capital Economist nhận định: “Khi lạm phát leo thang, giá kim loại quý sẽ được đẩy lên 1.600 USD/Oz trong năm 2011 và tiến đến ngưỡng 2.000 USD vào cuối năm 2012. Như đã dự báo, giới đầu tư sẽ cảm thấy hoang mang và đổ xô vào vàng với tư cách là tài sản an toàn cao nhất”. Nhà đầu tư hàng hóa Jim Rogers cho rằng: “Giá vàng cuối cùng sẽ tăng lên hơn 2.000 USD/Oz. Vàng sẽ chắc chắn quanh phạm vi 2.000 USD trong thập niên này và có thể còn cao hơn mức đó, thậm chí còn sớm hơn những suy nghĩ của tôi”…

Tuy nhiên, đừng bao giờ quá tin vào sự tư vấn của các chuyên gia mà chỉ nên tham khảo trước khi quyết định. Đây là ý kiến chia sẻ của bà H. - người có nhiều trải nghiệm trong các lần “lướt sóng” vàng. Đến giờ, bà H. vẫn “hậm hực”: “Điều làm tôi “hận” nhất là đã nghe lời các chuyên gia. Khi giá vàng đến 29 triệu đồng/lượng, tôi đã định mua lại nhưng thấy các chuyên gia khuyên: “Người dân không nên mua vàng vào thời điểm này, vì giá vàng sẽ hạ xuống trong thời gian tới” nên tôi lại chần chừ. Giờ, giá vàng tăng liên tục khiến tôi lỗ hàng trăm triệu đồng!”.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang đề xuất Chính phủ lập lại sàn vàng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vàng chính quy. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát, qua đó điều tiết thị trường vàng và quản lý hoạt động này một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Hy vọng, trong năm tới, những người thích “lướt sóng” vàng sẽ có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn.

THU AN