10:02, 04/02/2011

Ít có nơi nào đẹp như Nha Trang

Là người sáng lập và hiện là Chủ tịch danh dự Hội Bạn ảnh quốc tế (ICS), được phong tặng hơn 60 tước hiệu về nhiếp ảnh của thế giới, là người thứ 19 trong lịch sử Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) được Hội này vinh danh, Tony Lê Kim Thuận có lẽ là nhiếp ảnh gia người Việt hiếm hoi nổi tiếng trên thế giới đến vậy. Từ năm 1992 đến nay, ông đã về Việt Nam nhiều lần, và lần nào cũng ghé Nha Trang - nơi ông từng sống thuở nhỏ. Ngày 9-12-2010,  ông lại về Nha Trang…

Là người sáng lập và hiện là Chủ tịch danh dự Hội Bạn ảnh quốc tế (ICS), được phong tặng hơn 60 tước hiệu về nhiếp ảnh của thế giới, là người thứ 19 trong lịch sử Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) được Hội này vinh danh, Tony Lê Kim Thuận có lẽ là nhiếp ảnh gia người Việt hiếm hoi nổi tiếng trên thế giới đến vậy. Từ năm 1992 đến nay, ông đã về Việt Nam nhiều lần, và lần nào cũng ghé Nha Trang - nơi ông từng sống thuở nhỏ. Ngày 9-12-2010,  ông lại về Nha Trang…

- P.V: Thưa ông, ông có thể giới thiệu qua về mình và những dự định trong chuyến về Việt Nam lần này?

- Ông Lê Kim Thuận: Tôi sinh năm 1945, năm 1963 bắt đầu cầm máy, năm 1968 gia nhập Hội Nhiếp ảnh miền Nam, sang Hoa Kỳ năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Texas về điện, nhưng vì rất mê ảnh nên cũng đồng thời theo học nhiếp ảnh. Tháng 4-1985, tôi  ra trường, về California, vừa là kỹ sư vừa mở cơ sở kinh doanh về nhiếp ảnh. Cũng năm này, tôi thành lập nhóm Nhiếp ảnh tài tử (Group amateur photography). Năm 1989, tôi gia nhập Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) và Hội Nhiếp ảnh New York, đồng thời có dự định thành lập Hội Bạn ảnh cho các nhiếp ảnh gia Việt Nam. Được một số nhiếp ảnh gia nổi tiếng đương thời góp ý, tôi đã chuyển sang thành lập Hội Bạn ảnh quốc tế (ICS)ø. Hiện ICS có đại diện tại 35 quốc gia. Năm 1998, được sự cổ vũ của Chủ tịch Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), tôi đã thành lập Liên đoàn Nhiếp ảnh đa văn hóa Hoa Kỳ (FMPA), thực chất là một danh xưng của ICS để hoạt động tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhiếp ảnh gia người Mỹ lại muốn có một tổ chức của riêng người Mỹ, nên năm 2000, tôi cùng ông Herpert Gustafson - thành viên Hội đồng quản trị PSA đứng ra thành lập Liên hiệp Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (USPA), thực chất cũng là một danh xưng của ICS để quy tụ các nhiếp ảnh gia nước Mỹ. ICS được rất nhiều nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới và nhiều hội nhiếp ảnh các nước giúp đỡ, do đó tổ chức các cuộc thi quốc tế rất thành công. Gần đây, ICS bắt đầu tổ chức cuộc thi liên kết 3 salon. Năm 2011 sẽ tổ chức liên kết 5 salon. Từ năm 1998 đến nay, tôi được mời làm đại diện FIAP tại Hoa Kỳ. Lần về Việt Nam này, mục đích chính của tôi là thăm gia đình, vì bà xã ở TP. Hồ Chí Minh (chúng tôi mới tổ chức đám cưới tháng 6-2010). Nhưng tôi cũng kết hợp mang huy chương về cho anh em nhiếp ảnh đã giành được trong cuộc thi “2nd ICS international digital 2010” do ICS tổ chức tháng 10-2010. Đây là cuộc thi mà các nhiếp ảnh gia Việt Nam giành thắng lợi lớn. Tất nhiên, cả kết hợp đi sáng tác nữa; nhưng bây giờ máy lớn nặng quá, mình chuyển sang dùng máy Leica M8, còn cầm máy được thì còn chụp.

- P.V: Được biết, ông được phong tặng rất nhiều tước hiệu, được PSA vinh danh?

- Ông Lê Kim Thuận: Mấy chục năm cầm máy, khó kể hết số lượng huy chương đã giành được. Nhưng với tôi, giành huy chương không phải là quan trọng nhất, bởi tôi không phải  “thợ thi”, “thợ săn giải”. Tôi hoạt động nhiếp ảnh trên nhiều phương diện: Thi, triển lãm, xây dựng nền móng cho hoạt động nhiếp ảnh, nghiên cứu phát hiện các định luật, quy tắc về nhiếp ảnh, thuyết trình, giảng dạy… Tôi được mời đi triển lãm ảnh trong các kỳ Đại hội FIAP, triển lãm ở rất nhiều quốc gia, giảng dạy về nhiếp ảnh ở nhiều trường đại học trên thế giới. Tôi đã được phong tặng hơn 60 tước hiệu nhiếp ảnh của các tổ chức nhiếp ảnh. Năm 1992, tôi được công nhận là “record breaker” (người phá kỷ lục). Năm 2009, tôi là người thứ 19 trong lịch sử hơn 70 năm của PSA được tổ chức này vinh danh. Năm 2010, tôi được FIAP phong tước hiệu Hon E.FIAP - tước hiệu cao nhất trong 5 đẳng cấp của FIAP.

- P.V: Xin ông cho biết về nội dung những bức ảnh được mang đi triển lãm trong Đại hội FIAP và triển lãm ở các quốc gia hay khi giảng dạy…?

- Ông Lê Kim Thuận: Có thể nói Việt Nam là đất nước vô cùng đẹp để chụp ảnh. Văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc. Con người Việt Nam rất giàu tình cảm, thân thiện. Đó là thế mạnh giúp các nhiếp ảnh gia Việt Nam giành nhiều thành công trong các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế. Tôi là người Việt Nam, tôi rất tự hào về điều đó. Vì vậy, những hình ảnh mà tôi gửi dự thi, triển lãm, giảng dạy, thuyết trình hầu hết là hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Đây cũng là định hướng xuyên suốt hoạt động nhiếp ảnh của tôi từ trước tới giờ. Riêng ảnh tôi mang đi triển lãm, có khi của cá nhân, có khi kết hợp với ảnh của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước, nhằm phản ánh toàn diện, chân thực hơn về Việt Nam.

- P.V: Theo ông, thời gian tới, các nhiếp ảnh gia Việt Nam nên sáng tác và dự thi những thể loại ảnh nào?

- Ông Lê Kim Thuận: Rất nhiều quốc gia đang có chiều hướng phát triển các thể loại ảnh phục vụ quảng đại quần chúng như ảnh về văn hóa, du lịch, phong cảnh, nơi chốn. Ảnh chân dung cụ già, phụ nữ, em nhỏ như trước đây đang có xu hướng thu hẹp dần. Ảnh lạm dụng photoshop quá nhiều cũng đang giảm dần, người ta có xu hướng “photoshop chỉ chiếm 5%”. Thế giới đang có chiều hướng phát triển ảnh chụp theo lối phóng sự.

- P.V: Lần nào về Việt Nam ông cũng ghé Nha Trang. Điều gì ở mảnh đất này hấp dẫn ông nhất? Ông có ý kiến gì đóng góp với địa phương?

- Ông Lê Kim Thuận: Tôi đã có thời gian sống ở Nha Trang, đi học ở trường nam và cũng từng đi rất nhiều nơi trên thế giới với tư cách là một nhiếp ảnh gia. Nhưng hiếm nơi nào đẹp như Hạ Long và Nha Trang. Tôi rất thích cách kết cấu công viên, cây xanh trên đường Trần Phú. Tôi có thể đi dạo và xuống tắm biển bất cứ chỗ nào mà không mất một đồng lệ phí. Bãi biển rất sạch, trừ những hôm mưa bão khiến sóng đưa rác vào, nhưng sau đó đã được dọn dẹp rất nhanh. Vịnh Nha Trang cũng quá đẹp. Tôi chỉ mong chính quyền cố gắng giữ gìn cảnh đẹp của vịnh Nha Trang. Không nên để những khu resort, nhà hàng che khuất tầm nhìn ra biển. Gần đây, khách sạn cao tầng xuất hiện quá nhiều, khá dày. Khoảng lưu không từ cửa khách sạn ra đến đường Trần Phú quá ngắn, khiến không gian trở nên chật chội, khó chịu.

- P.V: Nhưng theo Sở Xây dựng, khoảng lưu không mà ông nói đến cũng được 8m!

- Ông Lê Kim Thuận: Khoảng cách này có lẽ chỉ thích hợp với những khách sạn thấp tầng. Đối với những khách sạn cao hàng trăm mét như hiện nay, khoảng lưu không phải lớn hơn. Có lẽ, nên quy định khoảng lưu không này tương xứng với chiều cao của khách sạn.

- P.V: Ông có thường theo dõi các sự kiện văn hóa diễn ra tại Khánh Hòa?

- Ông Lê Kim Thuận: Qua truyền hình, internet, các báo điện tử, người Việt Nam ở nước ngoài có thể theo dõi các sự kiện trong nước rất dễ dàng. Các sự kiện văn hóa ở Khánh Hòa được nhiều người biết đến là Festival Biển Nha Trang, các cuộc thi hoa hậu trong nước, Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu Hoàn vũ, gần đây là cuộc thi Hoa hậu Trái đất. Có lẽ ít thành phố nào trên thế giới được đăng cai tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu như Nha Trang. Tương lai không xa, chắc chắn Nha Trang sẽ trở thành “thành phố của các hoa hậu”.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

TRẦN MINH NGỌC (Thực hiện)