10:02, 05/02/2008

“Nở rộ” các dịch vụ tiện ích với CN hiện đại

Năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mọi người nói nhiều về thời cơ...

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín tiếp tục đạt lợi nhuận cao trong năm 2007.

Năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mọi người nói nhiều về thời cơ, dự báo sự đột phá của nhiều ngành nghề trong đó đặc biệt là hệ thống tài chính của nước ta. Một năm trôi qua, với những thành tựu đạt được rất ấn tượng, ngành tài chính ngân hàng (NH) tiếp tục là lĩnh vực “nóng”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Tuy nhiên, bước sang năm 2008, nhiều chuyên gia tài chính dự báo ngành tài chính NH phải nỗ lực hơn nữa mới giữ được “phong độ” hiện có.

° Những con số tăng đột biến

Năm 2007, tổng huy động vốn của hệ thống tín dụng tăng đột biến, khoảng 50% so với năm 2006. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh tăng 47,6%, Hà Nội 36,1%. Riêng tại Khánh Hòa, đạt 10.129,8 tỷ đồng, tăng 51,3%, tăng gấp đôi so với chỉ tiêu huy động đề ra từ đầu năm. Đây cũng là năm hệ thống tín dụng trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống cũng tăng đột biến kể từ năm 2004, tới 40%. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh tăng 58,6%, tại Hà Nội khoảng 38,5%. Riêng tại Khánh Hoà đạt 10.322 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2006.

Năm 2007, ngành NH tiếp tục được đánh giá là một trong những lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, nhiều NH vào khoảng cuối tháng 10, tháng 11 đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, bất chấp những khó khăn từ Chỉ thị 03 “khống chế cho vay đầu tư chứng khoán”. Dẫn đầu vẫn là NH Thương mại Cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) với 1.861 tỷ đồng, kế đến là NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lãi khoảng 1.500 tỷ đồng, NH TMCP Kỹ Thương (Techcombank) khoảng 730 tỷ đồng, NH TMCP Quốc tế (VIB Bank) trên 425 tỷ đồng… Một tín hiệu đáng mừng là nhiều NH đã nâng tỷ lệ lợi nhuận từ mảng dịch vụ lên 30%.

Cũng trong năm này, khối NH TMCP đóng trên địa bàn Khánh Hòa đón nhận sự gia nhập của một số NH mới với tiềm lực tài chính mạnh như NH Đông Nam Á (SeABank), NH Đông Á… nâng tổng số tổ chức tín dụng đứng chân trên địa bàn lên 19 chi nhánh (CN), trong đó có 6 CN NH thương mại quốc doanh, 1 CN NH Chính sách xã hội, 1 CN NH Phát triển, 1 CN Công ty Cho thuê tài chính và 10 CN NH TMCP. Ngoài ra, đã có 5 đại lý nhận lệnh chứng khoán khai trương hoạt động tại Khánh Hòa chủ yếu phục vụ nhà đầu tư cá nhân.

Đây cũng là năm các tổ chức tín dụng đẩy mạnh dịch vụ và tiện ích NH với tốc độ cao dựa trên nền tảng công nghệ NH hiện đại. Tính đến nay, cả nước có khoảng 8,2 triệu tài khoản cá nhân, với gần 6 triệu thẻ ATM đã được phát hành, trên 4.500 máy ATM đã được lắp đặt. Riêng tại Khánh Hòa, có gần 160 ngàn thẻ ATM, 92 máy ATM. Ngoài chức năng là tài khoản tiền gửi thông thường của cá nhân, các NHTM còn cung cấp dịch vụ NH thấu chi trên tài khoản, với hạn mức thấu chi dựa trên thu nhập ổn định hàng tháng và mức tiền lương, tài sản đảm bảo khác… Ngoài ra, các NH còn mở rộng dịch vụ cho vay vốn trả góp mua ô tô, kể cả xe du lịch gia đình, xe du lịch kinh doanh, xe vận tải; cho vay tiêu dùng; cho vay tiền đi du học và đi chữa bệnh ở nước ngoài; tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động; cho vay chứng khoán… Các dịch vụ này nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khách hàng bởi đáp ứng đúng nhu cầu và thời điểm sử dụng. Tất cả điều này cho thấy thị trường tài chính NH Khánh Hòa trong năm 2007 cực kỳ sôi động, tạo đà phát triển trong năm 2008.

° Đằng sau những con số

Tuy nhiên, đánh giá chi tiết số liệu về thị phần, lợi nhuận, sản phẩm của ngành tài chính NH trong năm 2007, người ta chưa thấy rõ sức ép cạnh tranh mạnh mẽ giữa NH nước ngoài với NH trong nước như nhiều người dự đoán mà chủ yếu là từ phía các NH nội địa với nhau. Tuy số lượng tăng nhanh nhưng hầu hết các NH, công ty chứng khoán mới ra đời vẫn thiếu định hướng, bản sắc riêng của mình. Dễ dàng nhận thấy các NH, công ty chứng khoán ra đời với cùng một “bài” như nhau. Đã vậy, các sản phẩm, dịch vụ NH cũng giống nhau mà không chịu liên thông, liên kết nên cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bằng chứng là NH nào cũng cho vay mua xe, cho vay chứng khoán, dịch vụ trả lương qua tài khoản… nhưng mạnh NH nào NH nấy làm nên mới có chuyện một nơi có đến 3 máy ATM của những NH khác nhau nhưng khách hàng không sử dụng được do máy ATM của NH mình mở thẻ đang bị lỗi, còn máy ATM của NH khác thì không cùng liên minh. Trên đường Yersin, Nha Trang có tới 4 CN NH khác nhau hoạt động. Nhiều người nói rằng NH đang phát triển nhiều hơn so với nhu cầu của khách hàng, và đưa ra nhận xét: Với hơn 80 NH trong nước và nước ngoài, trên 100 công ty chứng khoán, chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều tổ chức tài chính như hiện nay. Sự mở rộng quá “nóng” đang đặt ra thách thức rất lớn về nguồn lực cũng như quản lý rủi ro. Chính vì vậy, sự cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện. Những diễn biến bất thường của lãi suất là một dấu hiệu. Trong 3 quý đầu năm, tuy các NH thừa tiền đồng và lãi suất ngoại tệ trên thế giới giảm nhưng lãi suất trong nước (cả tiền đồng và ngoại tệ) không những không đi xuống mà còn có chiều hướng ngược lại, với nguyên nhân do các chi nhánh NH mới thành lập cần phải có nguồn vốn, kiểu gì cũng phải giữ, thậm chí tăng lãi suất để thu hút khách hàng. Ngoài ra, một năm sau khi gia nhập WTO, chúng ta dường như không có một đột phá nào về sản phẩm NH. So với mức độ “nóng” của nền kinh tế, thì những con số về tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng, dịch vụ thanh toán thẻ, tiện ích hỗ trợ giao dịch điện tử… dường như chưa tương xứng. Cái thiết yếu nhất mà khách hàng cần từ phía NH là vay tiền, sử dụng dịch vụ NH với thủ tục đơn giản, nhanh chóng cũng không được đáp ứng như kỳ vọng.
° Năm 2008: Cạnh tranh quyết liệt hơn?

Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc CN NH Nhà nước tỉnh Khánh Hòa cho rằng, năm 2008, việc phân chia thị trường tài chính sẽ rất quyết liệt. Trong điều hành chính sách tiền tệ của NH Nhà nước, nếu không có những quyết sách phù hợp sẽ khó giữ được mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay.
Được biết, quý I/2008, chắc chắn có thêm 4 NH TMCP mở CN tại Khánh Hòa, đó là: NH Quân đội, Sài Gòn Bank, NH An Bình, NH Kiên Long. Một số NH khác cũng đang hoàn tất thủ tục để xin giấy phép thành lập. Như vậy, thực chất, cái “nóng” của cuộc cạnh tranh trong năm đầu vào WTO của lĩnh vực NH chỉ mới là “khúc dạo đầu”. Sự cạnh tranh thực sự mạnh mẽ mà chúng ta nói đến có lẽ sẽ đến trong năm 2008. Nó có thể không “khủng khiếp” như nhiều người sợ, nhưng sẽ không dễ dàng. NH TMCP Đông Nam Á CN Nha Trang treo băng rôn thông báo từ 15-1-2008 sẽ giao dịch cả ngày, không nghỉ trưa. Một động thái nhỏ nhưng chứng tỏ các NH đang cố gắng hết sức để phục vụ khách hàng. Ai dám khẳng định một cách chắc chắn rằng “khách hàng này là của tôi” trong khi cạnh tranh ngày càng quyết liệt?

THU HIỀN