03:06, 07/06/2010

Trẻ em và mối nguy hiểm từ sông nước

Thông thường, cứ vào dịp nghỉ Hè, các phương tiện thông tin truyền thông không ngừng đưa những thông tin cảnh báo về tình trạng học sinh bị chết đuối do tắm ao, hồ, sông suối… Nhưng cứ mỗi mùa Hè đi qua, vẫn có những học sinh bị chết đuối, gãy chân, tay…

Thông thường, cứ vào dịp nghỉ Hè, các phương tiện thông tin truyền thông không ngừng đưa những thông tin cảnh báo về tình trạng học sinh bị chết đuối do tắm ao, hồ, sông suối… Nhưng cứ mỗi mùa Hè đi qua, vẫn có những học sinh bị chết đuối, gãy chân, tay… từ sông nước. Những sự việc đau lòng trên một phần do thiếu sự quan tâm của gia đình, phần khác vì ý thức của các em còn nhiều hạn chế, trẻ em vô tư và ham vui nên không thể lường được hết những nguy hiểm do việc tắm sông, suối…

 Trẻ em vô tư vui đùa ở vùng nước sâu.
Khánh Hòa là một khu vực có nhiều ao, hồ, sông, suối nằm rải rác. Toàn tỉnh có hơn 40 con sông và nhánh sông lớn nhỏ dài từ 10km trở lên, tạo thành mạng lưới sông, suối khá dày đặc. Phần lớn sông đều bắt nguồn từ vùng núi phía Tây (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) chảy xuống đồng bằng. Các nhánh sông này đổ ra biển. Cho nên, cứ 5 - 7km lại có một cửa sông. Vì thế, việc trẻ em địa phương tiếp cận sông nước để vui chơi là điều rất dễ dàng. Bên cạnh đó, các huyện vùng núi tập trung nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn nên ít được sự quan tâm của phụ huynh. Khác với trẻ em thành phố, vào Hè, trẻ em nơi đây không có điều kiện vui chơi, sinh hoạt Hè tại các đoàn thể, nhà văn hóa… Bên cạnh đó, thời tiết oi bức, nóng nực khi vào Hè khiến việc tắm gội ở các ao, hồ, sông, suối, con đập… trở thành lý tưởng với trẻ em nơi đây.

Bất kỳ ai đi đến các vùng ven Nha Trang trong dịp Hè, rất dễ bắt gặp cảnh những đứa trẻ tụ tập cùng nhau nhảy cầu tắm sông. Đặc biệt, những vùng nước ấy không có bất cứ biển báo nguy hiểm nào, mặc dù đó là những khúc sông, suối… sâu, hay nền đáy lởm chởm đá, trơn trượt. Hiện nay, điều đáng ngại là có những khúc sông đang vào mùa khô hạn, mực nước giảm nhưng nhiều trẻ em vẫn vô tư thi nhau nhảy cầu, rất dễ gây thương tích như trầy xướt, nặng thì gãy tay, chân…, còn tắm những chỗ nước sâu thì dễ chết đuối. Có khi, những đứa trẻ chỉ chừng tuổi mẫu giáo, hay lớp 1 cũng vô tư ra sông suối nghịch nước, tắm rửa mà không có bất kỳ người lớn nào ở gần bên quan sát, quản lý. Các em chỉ tự chơi với nhau, chỉ đến khi có tai nạn xảy ra, phụ huynh mới biết thì đã muộn. Bên cạnh đó, lúc tắm sông, suối, do nô đùa tìm cảm giác mạnh, không ý thức được nguy hiểm nên các em thường đùa giỡn, lôi kéo, nhấn nhau xuống nước… Mặt khác, có các em sợ gia đình phát hiện nên thường rủ nhau đến những khúc sông, suối vắng vẻ tắm để đùa nghịch nên khi tai nạn xảy ra người lớn không thể ứng cứu kịp thời.

Để cho các em có một mùa Hè vui chơi an toàn và lành mạnh, tránh xa những mối nguy hiểm từ sông nước là điều không dễ. Vì hầu hết các em không có nơi vui chơi và rất dễ bị cám dỗ từ sông, nước do thời tiết nắng nóng. để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các địa phương nên có những biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm đối với những chỗ nước sâu, đáy nhiều đá, cát, dễ sụt lún… Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô giáo cần phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức cho học sinh trong những buổi sinh hoạt Hè. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự quan tâm, để ý của phụ huynh đối với các em.

HỒNG TRÀ