04:05, 29/05/2010

Ngôi trường của trẻ tự kỷ

Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, chúng tôi đến thăm trường Mầm non chuyên biệt Tuệ Phước tại 17A đường Hồng Lĩnh, phường Phước Hòa, Nha Trang. Đó là một ngôi nhà 5 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi tọa lạc trên lô đất 200m2, với 20 phòng học và làm việc hành chính, chuyên nuôi dạy trẻ chậm phát triển, trẻ mắc bệnh tự kỷ.

Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, chúng tôi đến thăm trường Mầm non chuyện biệt Tuệ Phước tại 17A, đường Hồng Lĩnh, phường Phước Hòa, Nha Trang. Đó là một ngôi nhà 5 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi tọa lạc trên lô đất 200m2, với  20 phòng học và làm việc hành chính, chuyên nuôi dạy trẻ chậm phát triển, trẻ mắc bệnh tự kỷ. Qua một năm hoạt động, số học sinh ngày càng tăng lên. Khi mới thành lập có 5 cháu, hiện nay trường đang nuôi dạy 31 cháu (từ 3 - 7 tuổi); trong đó, 17 cháu học bán trú, 13 cháu học theo tiết cá nhân. Qua một thời gian theo học tại đây, các cháu đã có nhiều tiến bộ trong sinh hoạt, học tập.

Bà Lê Thị Phụng - phụ trách trường Tuệ Phước cho biết: “Quá trình hoạt động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không có mặt bằng, kinh phí chủ yếu lấy thu bù chi. Chúng tôi mong muốn được nhà nước cho thuê đất dài hạn để xây trường theo mô hình giáo dục khép kín để sau lứa tuổi mầm non, các cháu có thể hòa nhập, tiếp tục học tiểu học, học nghề theo khả năng nhận thức của mình, tự lo cho bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Nhiều phụ huynh có con theo học tại đây cũng có nguyện vọng như thế. Không ít người đã đưa con chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, khi gửi vào trường Tuệ Phước, nhìn con mình tiến bộ từng ngày, những ông bố bà mẹ mừng vui đến phát khóc. Đó là trường hợp cháu Trần Khang An, sinh 2005, trú tại xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang. Trước đó, Khang phát âm không rõ, hiếu động không tập trung, muốn làm gì thì làm, nói vô nghĩa… Cha mẹ cháu đã từng tuyệt vọng khi Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh cho biết bệnh của cháu rất khó chữa. Sau thời gian được thầy cô giáo trường Mầm non chuyên biệt Tuệ Phước dạy dỗ theo phương pháp dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, nay bé Khang đã biết nói, hát một số bài, chủ động giao tiếp. Bé còn được thầy cô dạy chữ. Sự tiến bộ của An khiến cho cha mẹ bé rất vui. Đó còn là trường hợp của bé Trần Ngọc Lợi, sinh 2004, nhà ở thị trấn Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh. Tuy gần 6 tuổi nhưng Lợi phát âm không rõ nghĩa, không phản ứng khi có người khác gọi, trèo leo không biết nguy hiểm, không biết thể hiện nhu cầu khi giao tiếp… Sau thời gian can thiệp, cháu đã biết nói, biết diễn tả nhu cầu của mình, biết chỉ đồ vật để chơi, biết nắm tay cha mẹ khi ra đường… Hay như bé Nguyễn Đức Huy, sinh 2006, bị rối loạn xúc giác cảm giác. Ba mẹ của Huy cho biết, trước khi theo học tại đây, Huy thường giấu tay trong người, không bao giờ cầm nắm bất cứ vật gì vì… sợ! Ngoài ra, bé còn không phát âm được. Thế nhưng sau một thời gian theo học ở Trường Tuệ Phước, bé đã biết gọi “ba, má”, 2 tay rất linh hoạt, cầm được muỗng ăn cơm, biết sử dụng đồ chơi và thể hiện cảm xúc của mình.

Đáng chú ý nhất là trường hợp bé Nguyễn Anh Bình, sinh 2003, nhà ở phường Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh. Bé Bình chỉ thích chơi với… giấy, cầm giấy chơi suốt ngày; sợ đám đông, không nói, sợ cầm nắm đồ vật, thờ ơ với mọi người… Năm 2006, cha mẹ đưa bé vào Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh chữa đến năm 2009 nhưng không hiệu quả. Sau đó, mẹ bé Bình chuyển công tác ra Nha Trang. Nghe nói Trường Mầm non chuyên biệt Tuệ Phước dành cho trẻ chậm phát triển, chị đưa con đến đây. Được thầy cô tận tình dạy dỗ, nay bé Bình đã biết gọi tên người thân, nhận biết các đồ chơi và giảm hẳn sở thích chơi giấy…

 Bé Nguyễn Đức Huy trong một tiết học tiếp xúc với đồ vật.
Còn rất nhiều trường hợp trẻ tự kỷ khác đã được nuôi dưỡng tại ngôi trường này, mỗi em là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Các thầy cô tâm sự: Tâm trạng phụ huynh đưa cháu đến đây, hầu như ai cũng mệt mỏi vì đi chạy chữa nhiều nơi cho con, có người không tránh khỏi tâm lý bi quan, chán nản, tuyệt vọng. Do vậy, cán bộ, giáo viên của trường hết sức thông cảm, động viên phụ huynh để họ yên tâm, cùng phối hợp tốt với nhà trường nuôi dạy, chữa bệnh cho các cháu. Nhà trường cũng linh động miễn, giảm học phí cho những hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ được học tập, hòa nhập với bạn bè cùng lứa. Anh Trần Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay, các cháu bị bệnh chậm phát triển trí tuệ (tự kỷ) rất nhiều, biểu hiện ở các mặt: rối loạn ngôn ngữ; tính linh hoạt trong tư duy; giao tiếp với mọi người… nếu được can thiệp sớm thì các cháu có nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng. Ngược lại, không can thiệp kịp thời, các cháu mất cơ hội hòa nhập, tức là tàn tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa nhận thức được điều này, chỉ cho rằng cháu chậm phát triển, thậm chí không thừa nhận con mình bị bệnh tự kỷ. Nhiều trường hợp được phụ huynh đưa đưa đến trường muộn nên công tác can thiệp khó khăn hơn nhiều.

Từ những điều “mắt thấy tai nghe” ở Trường Mầm non Chuyên biệt Tuệ Phước, chúng tôi nhận thấy, bệnh tự kỷ của trẻ tuy khó chữa nhưng không phải là hết hy vọng nếu trẻ được can thiệp sớm. Vì vậy, khi thấy con mình có những biểu hiện khác thường về vận động, ngôn ngữ, nhận thức…, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế hoặc các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật về trí tuệ để được tư vấn. Để can thiệp sớm, việc phát hiện sớm những biểu hiện của trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng.

LÊ HOÀNG