03:06, 07/06/2010

Vì sao Khánh Hòa chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi?

Có lẽ, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng Khánh Hòa nằm trong số 10 tỉnh cuối cùng của cả nước chưa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) đúng độ tuổi. Nguyên nhân vì sao?

Có lẽ, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng Khánh Hòa nằm trong số 10 tỉnh cuối cùng của cả nước chưa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) đúng độ tuổi. Nguyên nhân vì sao?

Để đạt được PCGDTH đúng độ tuổi ở miền núi, cần những nỗ lực nhiều hơn của ngành Giáo dục.

Câu hỏi này được các cán bộ phụ trách công tác PCGD giải thích rằng tỉnh ta còn “vướng” 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh do chưa đạt được 1 trong những tiêu chí “cứng” nhất, đó là “phải huy động ít nhất 95% trẻ em dưới 6 tuổi đi học, 80% học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học và số còn lại phải đang học trong các trường tiểu học”. Cũng cần biết rằng, PCGDTH đúng độ tuổi có mức độ yêu cầu cao và cũng không thể hạ thấp tiêu chuẩn cho các vùng khó khăn. Nó cũng khó hơn PCGD trung học cơ sở (vì có thể được bù bằng hệ bổ túc văn hóa và mở rộng độ tuổi - thêm đến 4 tuổi). PCGDTH đúng độ tuổi phải “độc lâïp tác chiến”, không thể bù và “lấn” sang độ tuổi nào cả. Vì thế, về thực chất, PCGDTH đúng độ tuổi là phổ cập về chất lượng giáo dục, không thể “đối phó” bằng các giải pháp “kỹ thuật” nhất thời.

Ở Khánh Hòa, từ hàng chục năm qua đã có tình trạng phân hóa trầm trọng về trình độ phát triển giáo dục giữa khu vực đồng bằng và địa bàn miền núi. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ các chính sách ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số nên đã cơ bản xóa dần khoảng cách chênh lệch về số lượng, quy mô phát triển (riêng tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 ở các huyện miền núi luôn đạt tỷ lệ 97 - 98% hàng năm, tương đương với nhiều huyện đồng bằng) nhưng khoảng cách về chất lượng thì hầu như không có gì thay đổi và sớm bộc lộ ngay từ các lớp đầu cấp tiểu học. Các số liệu thống kê của ngành GD-ĐT cho thấy, chất lượng giáo dục của 2 huyện miền núi rất đáng lo ngại: Tỷ lệ học sinh xếp loại yếu ở 2 môn Toán và Tiếng Việt các năm qua thường chỉ ở mức xấp xỉ 30% và tỷ lệ học sinh trung bình là 40% (thực  chất chỉ nhỉnh hơn  loại yếu một tí). Cho nên cũng không lạ khi tỷ lệ học sinh lớp 1 lưu ban hàng năm thường trên 10%, cá biệt có trường lên đến 40%. Nếu cộng dồn học sinh lưu ban của các lớp khác nữa thì khó lòng đạt được yêu cầu “80% học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học”. Xin nêu thêm một dẫn chứng về tình hình “rơi rụng” học sinh dân tộc thiểu số là: ngay thời điểm hiện nay, số học sinh lớp 5 so với học sinh lớp 1 chỉ đạt 52,7% trong khi tỷ lệ chung của toàn tỉnh là 83,18%. Cũng chính vì vậy, nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng đã hội đủ tiêu chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi từ lâu thì Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn còn nhiều gian nan, vất vả để tiếp cận mục tiêu này.

Phải chăng đã đến lúc xem lại các chủ trương, chính sách, biện pháp đối với giáo dục miền núi để tìm ra “chìa khóa” của vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và thúc đẩy công tác PCGDTH đúng độ tuổi nói riêng. Để có thể nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, trước mắt là hoàn thành PCGDTH đúng độ tuổi, thiết nghĩ cần phải tăng cường tốt hơn nữa các thiết bị vật chất, đội ngũ giáo viên, tranh thủ phối hợp của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và cả cộng đồng các dân tộc. Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thay đổi cách dạy, cách học, cách tổ chức lớp để học sinh đến trường và học ngày càng tiến bộ, tương tự như việc các trường mầm non ở Khánh Sơn đã thu hút các cháu đến lớp bằng việc tổ chức bữa ăn bán trú tại trường mà không phải đi vận động từng nhà như trước đây nữa. Các công văn chỉ đạo hoặc thỉnh thoảng có các đoàn kiểm tra nắm tình hình là việc làm cần thiết nhưng e rằng như thế chưa đủ. Để đạt được PCGDTH đúng độ tuổi, chắc chắn cần nhiều nỗ lực to lớn, bền bỉ hơn nữa của ngành Giáo dục. Người ta nói, mang cái chữ đến miền núi không khó nhưng để lại các chữ “sinh hoa, kết trái” trên mảnh đất miền núi thì phải “3 cùng”; gắn bó, lặn lội với bà con như bộ đội biên phòng hoặc thanh niên tình nguyện thì mới mong có ngày “hái quả”.

ĐỖ QUYÊN