Năm 1975, khi mới từ miền Bắc chuyển về Nam, bố mẹ tôi là cán bộ tập kết nên gắng hết sức cũng chỉ đủ tiền mua căn nhà cấp 4 ở một xóm lao động thuộc phường Tân Lập, TP. Nha Trang. Xóm nghèo, dân cư chủ yếu là người làm thuê làm mướn, đạp xích-lô, ba-gác, mổ heo, bán xôi, bán cháo ở vỉa hè…
Năm 1975, khi mới từ miền Bắc chuyển về Nam, bố mẹ tôi là cán bộ tập kết nên gắng hết sức cũng chỉ đủ tiền mua căn nhà cấp 4 ở một xóm lao động thuộc phường Tân Lập, TP. Nha Trang. Xóm nghèo, dân cư chủ yếu là người làm thuê làm mướn, đạp xích-lô, ba-gác, mổ heo, bán xôi, bán cháo ở vỉa hè… nên không tránh khỏi chuyện lùm xùm này nọ nhưng được cái hay là gần gũi, gắn bó với nhau như trong cùng một làng quê. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có chuyện ồn ào vợ chồng cãi cọ, cha mẹ đánh con nhưng đều được cả xóm xúm vào khuyên giải và rồi mọi chuyện lại êm thấm; chẳng phải lên khóm, lên phường hoặc nhờ công an khu vực can thiệp. Dạo ấy khó khăn và thiếu thốn mọi bề, cứ vào mỗi chủ nhật, đám trẻ trong xóm lại rủ nhau vào tận Đồng Bò kiếm củi, đứa lớn vác giùm đứa bé, đến tối mịt mới về tới nhà. Còn chuyện chuồng heo, chuồng gà công nghiệp thì tiện đâu đặt đấy, không tránh khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhau nhưng rồi mọi người cũng đều thông cảm, chẳng hề đơn từ khiếu kiện gì như bây giờ. Cứ có người đau ốm, hoạn nạn là cả xóm cùng thăm viếng, san sẻ; những người già neo đơn ngã bệnh bỗng trở thành “người nhà” của cả xóm, ai giúp được gì thì cứ thế mà làm; hễ có dịp cưới hỏi, liên hoan, lễ lạt lại mời nhau đến dự. Lớp trẻ trong xóm đều gọi bố mẹ tôi là “ông trẻ, bà trẻ”, như người cùng một gia đình.
Sau này, khi Nhà nước có chính sách cấp đất cho người có công với cách mạng, gia đình chúng tôi được chuyển đến nơi ở khác, có hạ tầng tốt hơn nhiều. Về hưu, tuy tuổi cao sức yếu nhưng hễ có dịp là bố mẹ tôi lại quay về thăm xóm nhỏ ngày xưa. Đường sá, nhà cửa, cuộc sống bà con đã thay đổi nhiều; cửa tiệm buôn bán, hàng quán san sát thế chỗ cho các sân chơi của chúng tôi ngày trước nhưng tình làng, nghĩa xóm vẫn thế; gặp nhau là tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ chuyện. Trước Tết năm rồi, bố tôi mất. Chỉ nghe tin buồn trên đài truyền hình nhưng cả xóm ấy đã đến viếng không thiếu một nhà; gia đình nào cha mẹ già yếu thì con cái đi thay, không khác gì nếp sống của một làng quê thuần nông.
Anh em chúng tôi trưởng thành, có vợ có chồng, rồi cũng ra ở riêng cả. Riêng tôi may mắn được sống ở một khu phố trung tâm thành phố mà nhiều người vẫn gọi đùa là “quận 1”. Về sự quy củ, nề nếp sinh hoạt quả là không thể chê vào đâu được; cả năm không hề nghe gia đình nào to tiếng, không có tệ nạn xã hội, không ai dám đổ rác sai giờ quy định, đến nước tưới hoa cũng phải thật cẩn thận, không được để chảy ra đường bởi sợ bị phê bình, nhắc nhở. Các khoản đóng góp luôn dẫn đầu vì thường xuyên vượt chỉ tiêu và hoàn thành trước thời hạn; các cuộc họp hoặc tiếp xúc cử tri do phường tổ chức, quân số tổ dân phố chúng tôi bao giờ cũng đông hơn hẳn các tổ khác. Con cái gia đình nào cũng học hành giỏi giang, có việc làm, chẳng thấy cháu nào thất nghiệp, lêu lổng cả. Có điều, quan hệ xóm giềng không ấm áp, gần gũi như xóm nhỏ ngày xưa; việc ai nấy làm theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, nhà nào nhà nấy kín cổng cao tường, ra ngõ gặp nhau cũng chỉ gật đầu chiếu lệ. Ngay cả gia đình bên cạnh có người đau ốm, hàng xóm cũng không ai hay; bố mẹ ở xa qua đời cũng chẳng có ai đến chia buồn. Thậm chí, có bà cụ sống một mình trong căn nhà lớn, nhiều hôm không thấy mở cửa; đến khi có mùi hôi lạ, bà tổ trưởng báo công an đến kiểm tra mới biết bà cụ ấy đã chết từ bao giờ!
Mấy năm nay, tổ dân phố chúng tôi phấn đấu trở thành tổ văn hóa qua từng cấp và còn đặt ra nhiều mục tiêu, danh hiệu cao hơn nữa theo các chuẩn mực mới của các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư. Những gì có thể “đong đếm” được thì tổ dân phố của chúng tôi quả là xứng đáng lắm rồi, nhưng tôi thầm nghĩ, giá như có thêm “tình làng nghĩa xóm” nữa thì mới thực sự đúng nghĩa là tổ dân phố văn hóa Việt Nam; bằng không thì cũng nhang nhác như bản sao của một khu phố văn minh, hiện đại ở một đất nước phương Tây nào đó mà thôi!
TIỂU HUYỀN