Đầu năm học 2009 - 2010, suýt nữa đã xảy ra vụ án học sinh (HS) đâm cô giáo ngay cổng một trường Trung học phổ thông (THPT) bán công ở Nha Trang sau giờ tan học. Nguyên nhân chỉ do cậu học trò nọ không được chuyển chỗ ngồi theo ý muốn mà lại còn bị cô nhắc nhở, phê bình vì mất trật tự.
Đầu năm học 2009 - 2010, suýt nữa đã xảy ra vụ án học sinh (HS) đâm cô giáo ngay cổng một trường Trung học phổ thông (THPT) bán công ở Nha Trang sau giờ tan học. Nguyên nhân chỉ do cậu học trò nọ không được chuyển chỗ ngồi theo ý muốn mà lại còn bị cô nhắc nhở, phê bình vì mất trật tự. Trước đó mấy hôm, ở một trường THPT bán công khác cũng thuộc địa bàn Nha Trang, vì mâu thuẫn nhỏ, 2 nhóm nữ sinh đã hẹn nhau ra sân sau khu chung cư gần trường “giải quyết” bằng đấm đá với sự hỗ trợ của các “đàn chị” bên ngoài. Rất may, cả 2 vụ này đều được nhà trường kịp thời ngăn chặn, bằng không thì cũng đã nổi đình nổi đám không thua kém gì các scandal bạo lực học đường (BLHĐ) ở các địa phương khác đã được tung lên mạng làm chấn động dư luận xã hội trong suốt năm học qua.
Tuy ở tỉnh ta chưa có hội nghị, hội thảo chuyên đề về vấn đề BLHĐ để phân tích đầy đủ nguyên nhân và tìm ra giải pháp ngăn chặn từ gốc hiện tượng đáng buồn này nhưng có lẽ nhiều người quan tâm đến giáo dục cũng đã thấy được rằng “lỗi” thuộc về nhiều phía; từ HS, nhà trường cho tới gia đình và xã hội. Đúng là các trường học lâu nay chỉ tập trung dạy chữ, những năm gần đây lại càng đối mặt với áp lực nâng cao tỷ lệ đỗ đạt cho “bằng chị bằng em” nên có phần coi nhẹ việc dạy người. Không tin thì cứ dự giờ vài tiết dạy môn Giáo dục công dân, dự tiết sinh hoạt chủ nhiệm hoặc đọc kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của một vài trường phổ thông sẽ thấy ngay sự nhàn nhạt, cũ kỹ, sáo rỗng… trong lĩnh vực giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Nhiều thầy cô giáo nay cũng “nhuốm màu” kinh tế thị trường, đua nhau làm giàu bằng nhiều cách, kể cả việc o ép HS học thêm nên những lời răn dạy trên lớp không còn thuyết phục; trong khi ai cũng biết rằng chính tấm gương sáng của thầy cô mới là bài học đạo đức tốt nhất cho HS.
Các bậc phụ huynh cũng không thể lấy lý do bận chuyện làm ăn để phó mặc toàn bộ công việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Ai cũng biết mỗi ngày, khoảng thời gian các em HS sống với gia đình vẫn là nhiều nhất; nếu có sự quan tâm thực sự thì chẳng khó khăn gì trong việc phát hiện các dấu hiệu hư hỏng của con em mình để răn đe, uốn nắn từ đầu. Cá biệt, có những ông bố bà mẹ lại là tấm gương xấu cho con cái, hở tí chuyện là đòi đâm chém và cũng không hiếm chuyện phụ huynh dọa đánh thầy cô giáo vì “tội” nghiêm khắc đối với con em mình. Không biết có phải là do các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay rộng rãi và cởi mở quá chăng nên hầu như lúc nào cũng nghe lắm chuyện bạo lực, từ trong nhà ra sân cỏ, cho đến việc tranh chấp làm ăn cũng sẵn sàng xử nhau bằng dao kiếm, súng đạn; các game hành động đầy rẫy bạo lực trên mạng cũng khơi dậy phần “tối” trong bản năng thanh thiếu niên.
Nhiều người nói rằng câu chuyện HS đánh nhau “xưa như trái đất” rồi, thời nào và nơi nào cũng có cả. Cũng có người nói nếu cứ chia “lỗi” đồng đều cho mọi phía thì bao giờ mới có thể ngồi lại với nhau để “hợp đồng tác chiến” nên tốt nhất, các nhà trường phải “đứng mũi chịu sào”; chủ động giáo dục, phòng ngừa, răn đe và ngăn chặn từ xa tình trạng BLHĐ. Công tâm mà nói, các thầy cô giáo chủ nhiệm nếu làm hết trách nhiệm của mình cũng có thể biết được HS nào có dấu hiệu hư hỏng, kết băng kết nhóm… nhưng giáo dục HS cá biệt không phải là chuyện dễ dàng, ai cũng có khả năng làm tốt được. Bởi thế, nên chăng ngành Giáo dục cần sớm chính thức phục hồi hệ thống cán bộ giám thị trong các trường học như một số địa phương, trong đó có nhiều trường phổ thông dân lập, tư thục ở các thành phố lớn đang thực hiện rất hiệu quả từ nhiều năm nay; thậm chí, có trường còn thành lập hẳn phòng “quản sinh” với lực lượng hùng hậu, có “nghiệp vụ” theo dõi chặt chẽ và đủ sức phản ứng nhanh đối với các hiện tượng BLHĐ từ khi mới manh nha. Ngay cả những đất nước nổi tiếng văn minh và có nền giáo dục tiên tiến nhất cũng đều có đội ngũ giám thị trong các nhà trường.
Trở lại câu chuyện BLHĐ đang “nóng” ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay, không địa phương nào có thể tự coi mình là ngoại lệ cả. Ngành Giáo dục và cả xã hội không chủ quan và thờ ơ trước nguy cơ của BLHĐ. Trước hết, xin các thầy cô hiệu trưởng, đừng vì sợ mất thành tích thi đua mà che chắn, gi dấu nhẹm những câu chuyện đáng buồn này vì BLHĐ cũng như con sóng dữ, không phát hiện, ứng phó và phối hợp xử lý kịp thời thì không biết hậu quả sẽ ra sao!
ĐỖ THỊ HÀ