10:11, 11/11/2022

Tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành: Thay đổi theo chiều tích cực

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 do Bộ Y tế triển khai tại 34 tỉnh, thành phố, kết quả so với năm 2015, đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 do Bộ Y tế triển khai tại 34 tỉnh, thành phố, kết quả so với năm 2015, đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.


Theo đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm, nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, quán cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

 

Các cơ quan, đơn vị trong  tỉnh thực hiện nghiêm công tác  phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để có được những kết quả tích cực như trên, nhiều năm qua, hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đã được triển khai liên tục ở tất cả các địa phương. Các hình thức tổ chức chủ yếu là hội nghị, hội thảo, tập huấn để tuyên truyền, phổ biến trực tiếp. Hàng năm, hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá (ngày 31-5), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5), các địa phương tổ chức mít tinh trên đường phố; treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu, chạy băng chữ điện tử tại các cơ quan, đơn vị; điều tra, nghiên cứu về thực trạng sử dụng thuốc lá của người dân và tiến độ triển khai Luật PCTHCTL.


Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan còn thường xuyên phát tờ rơi và tài liệu truyền thông về PCTHCTL cho người dân; phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện về tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, chia sẻ kinh nghiệm bỏ thuốc lá thành công; tổ chức các cuộc thi viết về PCTHCTL, thi tìm hiểu về xây dựng nơi làm việc không khói thuốc; tuyên truyền về PCTHCTL, kinh nghiệm giám sát việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị treo biển báo cấm hút thuốc lá tại khu vực có quy định cấm hút thuốc; thực hiện các bài viết, thông tin, hình ảnh trên trang tin điện tử của ngành, địa phương. Ngoài ra, việc tuyên truyền còn được thực hiện thông qua các kênh thông tin đại chúng như báo, đài địa phương, hệ thống website, mạng xã hội Facebook, loa truyền thanh tại cơ sở. Cùng với đó, những phong trào, chiến dịch, tấm gương, mô hình tốt trong công tác PCTHCTL được tuyên truyền thường xuyên, qua đó đã tạo hiệu ứng lan truyền cổ vũ cho hoạt động PCTHCTL...


Để công tác PCTHCTL đạt hiệu quả tốt trong thời gian tới, theo lãnh đạo ngành Y tế, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia PCTHCTL; nêu gương và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng; triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Tùy điều kiện của từng địa phương, có thể ghép ban chỉ đạo PCTHCTL với một số ban chỉ đạo khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan nhằm huy động sự tham gia và phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của nhiều ngành, đoàn thể.


Bác sĩ Toàn kiến nghị: “Công tác PCTHCTL cần có sự quan tâm của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ giao trách nhiệm cho ngành y tế, trong đó tăng cường vai trò của các hội, đoàn thể đối với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút thuốc trong nhà, nơi công cộng đông người, bệnh viện, trường học. Nhất là gần đây, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cần ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ”.


Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)