Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hàng năm, có hàng ngàn người thiệt mạng vì "kẻ giết người thầm lặng" này. Không chỉ người hút thuốc lá, mà ngay cả những người xung quanh hít phải khói thuốc cũng bị ảnh hưởng do các thành phần hóa học có trong khói thuốc lá gây ra.
Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hàng năm, có hàng ngàn người thiệt mạng vì “kẻ giết người thầm lặng” này. Không chỉ người hút thuốc lá, mà ngay cả những người xung quanh hít phải khói thuốc cũng bị ảnh hưởng do các thành phần hóa học có trong khói thuốc lá gây ra.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, toàn cầu có khoảng 8 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá; riêng tại Việt Nam khoảng 40.000 người chết, dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên 70.000 người. Kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên tại tỉnh Khánh Hòa năm 2020 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 49,6%, ở nữ giới 4,8%; tỷ lệ hút từ 10 điếu thuốc lá trở lên hàng ngày là 17,2%; tuổi bắt đầu hút thuốc lá tỷ lệ cao nhất từ 20 tuổi trở lên với 49,4%; nhóm 17-19 tuổi là 21,3% và nhóm 15-16 tuổi là 17,4%. Gần 1/4 trong nhóm đang hút thuốc lá hút thuốc ngay sau thức dậy buổi sáng trong vòng 5 phút. Tỷ lệ phơi nhiễm với thuốc lá trong nhà là 63,5%; phơi nhiễm với thuốc lá tại nơi làm việc 23,2%; phơi nhiễm tại nhà hàng, quán bar, quán cà phê 16% và phơi nhiễm tại các phương tiện công cộng 15,6%.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, khi chúng ta hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ấm. Không khí hít vào sẽ đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất, đó là quá trình lọc ở mũi. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc, mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy, do vậy, thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho cả nhu môi phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng.
Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT), có khoảng 15% những người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng BPTNMT và 80 - 90% người mắc BPTNMT là nghiện thuốc lá. Hút thuốc lá làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này trở nên mạnh hơn. Đặc biệt, những người hút thuốc lá bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc. Người hút thuốc có tỷ lệ tử vong do BPTNMT cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. BPTNMT đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn; bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong. Mối liên quan giữa BPTNMT và hút thuốc lá cũng mạnh như với ung thư phổi.
Bác sĩ Toàn lưu ý, những bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền là BPTNMT sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng. Covid-19 ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tổn thương phổi do BPTNMT sẽ càng làm cho phổi khó chống lại nhiễm trùng hơn. Người mắc bệnh BPTNMT cần phải tiêm đầy đủ các liều vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ngoài tiêm đủ liều cơ bản gồm 2 mũi và liều nhắc lại (mũi 3), người bệnh cần tiêm mũi 4; khoảng cách tiêm ít nhất 3-4 tháng sau tiêm mũi thứ 3. Người bệnh cần có kế hoạch quyết tâm thực hiện việc cai thuốc lá sớm. Một người cai thuốc lá thành công là không còn hút thuốc lá 12 tháng kể từ ngày cai. Bên cạnh việc cai thuốc lá, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt lối sống lành mạnh, tích cực tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng hợp lý; kiểm soát tốt huyết áp, lipit máu, đường máu để ngăn ngừa các bệnh liên quan hệ tim mạch nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)