11:03, 29/03/2022

Hội Đông y tỉnh: Phát huy vốn quý cổ truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân

Những năm qua, cùng với hệ thống y tế cơ sở tây y, mạng lưới y tế đông y ở tỉnh ngày càng phát triển, góp phần chăm sóc, bảo vệ  sức khỏe người dân.

Những năm qua, cùng với hệ thống y tế cơ sở tây y, mạng lưới y tế đông y ở tỉnh ngày càng phát triển, góp phần chăm sóc, bảo vệ  sức khỏe người dân.


Nâng cao chuyên môn


Ông Đặng Hữu Lộc - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, hiện nay, Hội Đông y tỉnh đã hình thành được mạng lưới 3 cấp; 100% huyện, thị xã, thành phố đều có hoạt động của Hội Đông y. Những năm qua, hội đã duy trì khá tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò nòng cốt của hội trong sự nghiệp phát triển đông y tỉnh; đẩy mạnh chất lượng khám, chữa bệnh (KCB); bảo tồn phát huy vốn quý y học cổ truyền… Qua đó, đạt được một số kết quả tích cực.

 

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Hội luôn chú trọng đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên. 6 năm qua (2015-2021), hội đã tổ chức hơn 70 buổi tập huấn cho gần 1.600 lượt hội viên; mở 2 lớp bồi dưỡng chuyên môn “Phương pháp châm cứu theo ngũ hành luận trị”, “Những thông tin mới về mạch học đông y” cho gần 150 học viên. Hội còn bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh thông tin như: tổ chức hội nghị kế thừa tâm đắc tỉnh; chương trình Đông y hướng ra cộng đồng; cung cấp kiến thức đông y, các bài thuốc hay, tâm đắc trên trang thông tin của hội… Các phòng chẩn trị trong tỉnh còn truyền dạy nghề cho các thế hệ theo hướng cầm tay chỉ việc, học nâng cao kiến thức, tay nghề ở những thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Tỉnh hội đã củng cố Hội đồng Khoa học và Công  nghệ, đẩy mạnh công tác kế thừa tâm đắc; vận động những thầy thuốc lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, lương y có tâm huyết với nghề, say mê nghiên cứu những bài thuốc hay, cây thuốc quý, bài thuốc gia truyền, bài thuốc dân gian có kết quả cao trong điều trị để hội viên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Qua đó, giúp hội viên, nhất là hội viên trẻ nâng cao tay nghề, đồng thời bổ sung vào kho tàng các bài thuốc hay, thuốc quý ở tỉnh. Đến nay, toàn hội đã tổng hợp hơn 300 bài thuốc hay điều trị các bệnh về cơ xương khớp, suy nhược thần kinh, phong thấp, xơ gan cổ trướng, chứng ách nghịch, hen suyễn, sỏi mật...


Hội cũng chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ tốt hơn công tác KCB. Trong chuyên môn, các thầy thuốc đã phát huy giá trị truyền thống của đông y bằng cách dùng dược liệu thảo mộc, châm cứu, xông hơi, bấm huyệt; trị bệnh theo các chuyên khoa gia truyền; kết hợp điều trị giữa đông - tây y...  


Đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện


Cùng với nâng cao chất lượng KCB, các cấp hội còn chú trọng việc KCB từ thiện, không chỉ thực hiện tại các phòng khám, phòng chẩn trị mà còn tổ chức đến những xã vùng sâu, vùng xa, kết hợp tặng quà, phát thuốc, liên hệ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… 6 năm qua, các cấp hội đã KCB cho hơn 3,4 triệu lượt người, trong đó KCB miễn phí cho gần 91.500 lượt người với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Các cơ sở chẩn trị thực hiện tốt công tác từ thiện là Hưng Sơn Tự (TP. Nha Trang), các Tuệ Tĩnh đường ở huyện Diên Khánh và Vạn Ninh.

 

Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 640 hội viên; trong đó có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 35 bác sĩ, 94 y sĩ, hơn 150 lương y gia truyền. Hội có 11 hội cấp tỉnh, 11 chi hội trực thuộc, 100 chi hội cấp xã, phường, 178 phòng chẩn trị y học cổ truyền.

Thực hiện phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại chỗ”, “Tủ thuốc xanh” trong mỗi gia đình, các cấp hội cơ sở còn hướng dẫn người dân trồng và sử dụng một số cây thuốc Nam thông dụng để điều trị những bệnh thông thường; kết hợp với trạm y tế địa phương xây dựng vườn thuốc Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 85 vườn thuốc mẫu tại cơ sở. Hội Đông y tỉnh còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành Y tế trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền thông qua việc hội viên tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế; kiểm tra hành nghề y học cổ truyền tư nhân; lồng ghép Phòng Chẩn trị đông y vào hoạt động tại trạm y tế; phối hợp nghiên cứu, phát triển dược liệu…


Với những kết quả trên, những năm qua, nhiều tập thể và cá nhân của hội được nhận bằng khen của UBND tỉnh, bằng khen và cờ thi đua của Trung ương Hội Đông y Việt Nam; giấy khen của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh…


Theo ông Đặng Hữu Lộc, khó khăn trong hoạt động của hội hiện nay là cán bộ chuyên trách công tác hội chỉ đến tuyến huyện, chưa có ở tuyến xã; chế độ đãi ngộ cán bộ hội tuyến cơ sở chưa có; nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên chưa đáp ứng kịp thời; việc phát triển mạng lưới đông y, lồng ghép chi hội đông y vào trạm y tế rất khó khăn do thiếu kinh phí; do thiếu đất nên việc trồng và sử dụng thuốc nam tại nhiều nơi chỉ mang tính trình diễn, làm mẫu, không bền vững nên không thể nhân rộng... Để ngành Đông y phát triển bền vững trong tình hình mới, rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, có nhiều chính sách hỗ trợ.


Trong những năm tới, hội sẽ tập trung củng cố mạng lưới, phát triển hội viên; đẩy mạnh công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu; tiếp tục thực hiện công tác kế thừa, phát triển đông y…


C.Đan