Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2023, Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90, tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2023, Việt Nam cần đạt các mục tiêu 90-90-90, tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, những năm qua, nhiều văn bản của Trung ương được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho chương trình, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc.
Cụ thể, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII ra Chỉ thị số 07 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 (ban hành ngày 6-7-2021). Chính phủ ban hành Nghị định số 63 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (ngày 30-6-2021). Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3033 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (ngày 23-6-2021); Thông tư 09 quy định về quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (ngày 30-6-2021); Quyết định số 2834 về hướng dẫn thực hiện xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV và sử dụng số liệu xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV trong phòng, chống HIV/AIDS (ngày 9-6-2021). Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện được xác định tình trạng nghiện ma túy, hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy. Tại Khánh Hòa, ngày 26-5-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4514 đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã bao quát tất cả các sự kiện chính trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2021. Theo đó, toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở xét nghiệm HIV, 201 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tiếp tục được mở rộng tại cộng đồng và tự xét nghiệm, trong đó đã thí điểm cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua mạng; đảm bảo Methadone liên tục hàng ngày cho hơn 52.000 bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, kể cả các bệnh nhân phải cách ly hoặc trong các khu phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng điều trị HIV/AIDS thông qua nhiều hình thức giúp cho các bệnh nhân được dùng thuốc ARV liên tục trong bối cảnh đại dịch Covid-19; phác đồ điều trị HIV/AIDS được cập nhật, tối ưu hóa, thuốc ARV mới (TLD) được mở rộng, chất lượng điều trị HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới, với 97,2% bệnh nhân có tải lượng vi rút ở dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/ml máu) và 95,1% bệnh nhân có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu). Đồng thời, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); điều trị viêm gan C trên bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục tăng, ước đạt trên 50% tổng chi cho phòng, chống HIV/AIDS; có 33/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. 91% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy công tác phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đã nỗ lực để triển khai hoạt động, đạt các chỉ tiêu. Trong năm, toàn quốc đã phát hiện khoảng 12.000 người nhiễm HIV mới (85% là nam giới, 79% lây do quan hệ tình dục không an toàn); điều trị Methadone cho 52.000 người; điều trị ARV cho trên 160.000 bệnh nhân HIV/AIDS. Hiện nay, có 27 tỉnh, thành phố đang triển khai điều trị PrEP (dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS) cho 32.128 khách hàng với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như PrEP lưu động, PrEP trong bối cảnh Covid-19, PrEP trong ngày… với sự tham gia tích cực, hiệu quả của mạng lưới y tế tư nhân và các tổ chức dựa vào cộng đồng; điều trị viêm gan C mãn tính cho 3.367 người nhiễm HIV (chương trình triển khai từ tháng 3 đến tháng 10-2021), với tỷ lệ khỏi bệnh viêm gan đạt đến 92,2%, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV…
NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa)