Năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đề tài "Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên tại tỉnh Khánh Hòa". Khảo sát được thực hiện tại 3 địa phương là TP.Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh; số người tham gia điều tra cả nam và nữ là 2.398 người. Kết quả khảo sát cho thấy cần phải có những hành động can thiệp phòng, chống tác hại của thuốc lá mạnh hơn, liên tục hơn.
Năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đề tài “Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên tại tỉnh Khánh Hòa”. Khảo sát được thực hiện tại 3 địa phương là TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh; số người tham gia điều tra cả nam và nữ là 2.398 người. Kết quả khảo sát cho thấy cần phải có những hành động can thiệp phòng, chống tác hại của thuốc lá mạnh hơn, liên tục hơn.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, độ tuổi trung bình đối tượng nghiên cứu là 40,9; trong đó nhóm 25-44 tuổi chiếm tỷ lệ 38,7% và nhóm 45-64 tuổi chiếm tỷ lệ 36,1%. Kết quả về tỷ lệ đang hút thuốc lá chung toàn tỉnh là 27,2%, tỷ lệ này thấp hơn so với khảo sát năm 2014 của Sở Y tế (31,1%). Tuy nhiên, khi phân tích cho từng nhóm đối tượng nghiên cứu, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới là 49,6%, trong đó có 41,3% hút thuốc lá hàng ngày. Như vậy có thể nói cứ 2 người nam giới thì có 1 người hút thuốc lá, đây là điều rất đáng quan tâm, cần phải có những hành động can thiệp phòng, chống tác hại của thuốc lá mạnh hơn, liên tục hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng hút thuốc lá hàng ngày ở nhóm 45-64 tuổi chiếm cao nhất, với tỷ lệ 27,2%; nhóm ở thành thị hút thuốc lá hàng ngày nhiều hơn so với nhóm nông thôn (24,7% so với 21,7%). Nhóm người không có việc làm ổn định, không có việc làm hút thuốc lá hàng ngày chiếm tỷ lệ cao với 31,4%.
Nghiên cứu cho thấy, độ tuổi trung bình một người khi bắt đầu hút thuốc lá là 23,9; nhóm tuổi trên 20 là nhóm bắt đầu hút thuốc lá có tỷ lệ cao nhất với 49,4%. Tỷ lệ người hút thuốc lá ngay sau khi ngủ dậy buổi sáng hàng ngày từ 6-30 phút chiếm tỷ lệ 30,3%; trên 60 phút sau ngủ dậy mới hút thuốc lá chiếm tỷ lệ 30,3%. Đây là nội dung rất đáng chú ý vì người vừa ngủ dậy sau 1 đêm sẽ có tình trạng đói nicotin là chất gây nghiện nên sẽ hút ngay thuốc lá để bù lại tình trạng này. Vì vậy, nhóm vừa ngủ dậy từ 6-30 phút phải hút thuốc lá ngay là nhóm nghiện thuốc lá nặng hơn so với những nhóm khác.
Đối với thuốc lá điện tử, kết quả khảo sát cho thấy, có 32,4% đã từng nghe về thuốc lá điện tử, trong đó 4,4% đã từng sử dụng thuốc lá điện tử và đang sử dụng thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử là loại thuốc lá có nicotin gây nghiện, ngoài ra còn trộn nhiều hương liệu khác, giới trẻ sử dụng đang có chiều hướng gia tăng. Bộ Y tế đã có cảnh báo đối với việc hút thuốc lá điện tử gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe của giới trẻ hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 1/3 đối tượng nghiên cứu cho là thuốc lá điện tử cũng có hại như thuốc lá điếu. Do vậy, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông tác hại của thuốc lá điện tử cho giới trẻ, cho cộng đồng để nâng cao nhận thức, giảm nguy cơ tiếp xúc, nói không với thuốc lá điện tử.
Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà cao hơn so với khu vực thành thị; nữ giới phơi nhiễm khói thuốc lá nhiều hơn nam giới. Chỉ có 43,2% đối tượng nghiên cứu cho rằng việc hút thuốc lá tại nơi làm việc là bị cấm; tỷ lệ phơi nhiễm thuốc lá tại các cơ quan nhà nước là 5,9% và tại các cơ sở y tế 5,3%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá mà các đối tượng nghiên cứu nhận được từ các phương tiện thông tin đại chúng chiếm hơn 60%; từ tờ gấp, tờ rơi, áp phích chỉ chiếm khoảng gần 20%.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyến nghị, tất cả các sở, ban, ngành, địa phương, trường học, cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thật cụ thể; nội dung là đẩy mạnh việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đa dạng công tác truyền thông, có thông điệp phù hợp đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt đối với giới trẻ, tăng cường truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học và cả cộng đồng. Hàng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần có khảo sát đánh giá thực trạng công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, qua đó có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng công tác truyền thông. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền và thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm theo quy định.
NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa)