Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng ở vết thương do bệnh nhân đắp thuốc nam hoặc lá cây không rõ nguồn gốc. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều nặng, phải cắt bỏ một phần chân hoặc tay, có trường hợp bị tử vong.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng ở vết thương do bệnh nhân đắp thuốc nam hoặc lá cây không rõ nguồn gốc. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều nặng, phải cắt bỏ một phần chân hoặc tay, có trường hợp bị tử vong.
Ngày 6-6, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh N. (55 tuổi, TP. Nha Trang) trong tình trạng chân trái bị hoại tử nặng, có bệnh nền đái tháo đường type 2. Bệnh nhân N. cho biết, 10 ngày trước, bệnh nhân bị bỏng nước sôi ở bàn chân trái. Theo lời giới thiệu, bệnh nhân đắp thuốc nam, nhưng vết thương không lành mà ngày càng đau nhức nên mới nhập viện.
Do bàn chân của bệnh nhân N. bị nhiễm trùng nặng, các bác sĩ của trung tâm đã cắt, lọc hết các chỗ bị hoại tử; đồng thời chạy máy áp lực âm VAC nhiều lần để hút tất cả các dịch, máu, mủ chỗ nhiễm trùng; kích thích các tế bào ở vùng tổn thương phát triển để tiến hành ghép da. Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Phạm Đình Thành - Trưởng khoa CTCH tổng quát thuộc Trung tâm CTCH - Bỏng, do vết thương bị nhiễm trùng quá nặng nên vài ngày tới nếu vết thương không lành, các bác sĩ sẽ cắt bỏ bàn chân trái của bệnh nhân N.
Điều trị tại Trung tâm CHCH - Bỏng gần 10 ngày, bệnh nhân Cao Thị H. (59 tuổi, TP. Nha Trang) đã bị cắt bỏ 1/3 cẳng chân bên trái do bị hoại tử nặng vì đắp thuốc lá chỗ bị bỏng. Trong tháng 2, một bệnh nhân khác cũng bị nhiễm trùng nặng do đắp thuốc lá. Tuy được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Theo thống kê của Trung tâm CTCH - Bỏng, bình quân mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 8 - 10 trường hợp nhập viện do nhiễm trùng vết thương vì đắp thuốc nam hoặc lá cây. Hầu hết các trường hợp đã điều trị một thời gian dài ở các thầy lang, chỉ khi bệnh nặng mới nhập viện. Chính tâm lý chủ quan này khiến công tác điều trị của các bác sĩ gặp nhiều khó khăn; một số trường hợp đã tử vong vì bị biến chứng quá nặng.
Bác sĩ Phạm Đình Thành cho biết: “Việc người dân đắp thuốc lá không rõ nguồn gốc ở vết thương dễ gây nhiều biến chứng và hậu quả khó lường, nhất là những người có bệnh nền đái tháo đường. Đối với các trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, chúng tôi có thể xử lý bảo toàn được các chi cho bệnh nhân. Trường hợp nặng thì phải phẫu thuật cắt bỏ các chi. Những trường hợp bị biến chứng suy đa tạng gần như không thể cứu được”.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chấn thương hoặc có vết lở, người dân tuyệt đối không nên đắp thuốc bằng các lá cây hoặc bôi dầu nóng… vì sẽ làm nóng vùng bị tổn thương, gây chảy máu mạnh hơn, dẫn tới nguy cơ teo cứng khớp, viêm khớp, hoại tử sinh hơi; nặng hơn là suy đa tạng... Vì vậy, người bệnh nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, điều trị đúng.
C.Đan