Theo số liệu thống kê, năm 2020, có tới 65% học sinh (HS) bậc học mầm non và tiểu học ở tỉnh mắc bệnh sâu răng. Tình trạng này rất cần được quan tâm, cải thiện để giữ cho trẻ có sức khỏe răng miệng tốt khi trưởng thành.
Theo số liệu thống kê, năm 2020, có tới 65% học sinh (HS) bậc học mầm non và tiểu học ở tỉnh mắc bệnh sâu răng. Tình trạng này rất cần được quan tâm, cải thiện để giữ cho trẻ có sức khỏe răng miệng tốt khi trưởng thành.
Trẻ ít được khám và điều trị bệnh về răng
Những năm qua, Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) phối hợp với Chương trình Nha khoa học đường cấp tỉnh có kế hoạch kiểm tra, chăm sóc răng miệng cho HS. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho HS biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng thông qua việc lồng ghép vào các tiết đạo đức, tự nhiên, xã hội, các buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa. Tại các buổi tuyên truyền, nhà trường có tổ chức giao lưu cho HS trả lời câu hỏi, giúp các em nhớ rõ hơn các phương pháp chăm sóc răng miệng…
Tuy trường đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ HS của trường bị sâu răng chiếm gần 60%. Em Vũ Duy Mạnh - lớp 4/2 cho biết, khi còn nhỏ, em thích ăn bánh, kẹo nhưng không thường xuyên đánh răng nên nhiều răng bị sâu, có răng phải nhổ vì không điều trị được. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Phước - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp, ngoài các giải pháp trường đã triển khai, để giảm tỷ lệ sâu răng ở trẻ, phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở các em chăm sóc sức khỏe răng miệng, tạo thói quen đánh răng hàng ngày, sau các bữa ăn; hạn chế cho con ăn nhiều kẹo, uống nước ngọt hoặc ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh…
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020, có 149 trường mầm non và 136 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động giáo dục sức khỏe răng miệng cho HS. Hơn 1/2 số trường trên có tổ chức cho trẻ súc miệng với dung dịch NaF 0,2%, tuy nhiên chỉ có 34,3% HS thực hiện. Có 48/285 trường mầm non và tiểu học có tổ chức khám nha khoa cho HS (đạt 16,8%); 1.175 em được trám GIC (là kỹ thuật được sử dụng để khắc phục các khuyết điểm trên răng mà không ảnh hưởng đến cấu trúc của răng) trên tổng số 7.050 HS được phát hiện cần điều trị (đạt 16,7%); 133 em trám bí hố rãnh GIC trên 770 HS được phát hiện cần điều trị (đạt 17,3%)…
Còn nhiều hạn chế
Ông Phạm Minh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Chương trình Nha khoa học đường tại Khánh Hòa triển khai năm 1998. Các hoạt động của chương trình tập trung can thiệp để cải thiện sức khỏe răng miệng trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học thông qua việc tập huấn kiến thức răng hàm mặt cơ bản và nghiệp vụ nha học đường cho cán bộ y tế trường học, giáo viên và kết hợp khám, điều trị. Hàng năm, các trường phối hợp với đơn vị y tế tuyên truyền về chăm sóc răng miệng cho HS. Thế nhưng, tỷ lệ sâu răng ở trẻ giảm không nhiều.
Nguyên nhân là do răng sữa của trẻ chưa được khoáng hóa hoàn toàn, lớp men răng mỏng, không chắc, dễ bị sâu răng tấn công. Cùng với đó, yếu tố nguy cơ thúc đẩy sâu răng là hầu hết trẻ có thói quen ăn uống nhiều thức ăn chứa đường bột nhưng việc vệ sinh răng miệng lại chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh chưa theo dõi sát sao sự phát triển bộ răng của trẻ, không đưa trẻ đi khám, chữa bệnh về răng định kỳ dẫn đến khi phát hiện sâu răng thường muộn, khó điều trị.
Bên cạnh đó, Chương trình Nha khoa học đường còn nhiều hạn chế, như: Thiếu kinh phí mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh; kinh phí của chương trình không đủ phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ được trang bị 2 máy chữa răng lưu động, không đủ đáp ứng nhu cầu toàn tỉnh. Ở tuyến huyện chủ yếu khám và tuyên truyền, khi phát hiện trẻ có bệnh về răng thì phối hợp với nhà trường đề nghị phụ huynh đưa con đến cơ sở y tế điều trị chứ chưa có phương tiện điều trị tại chỗ cho HS. Ở những khu vực đời sống kinh tế khó khăn, đa số phụ huynh chưa có điều kiện cũng như quan tâm đúng mức nên ít chủ động đưa trẻ tới cơ sở y tế tuyến trên để khám, chữa bệnh về răng. Chính vì vậy, tại các vùng nông thôn, miền núi, ven biển, số trẻ được chữa răng sâu trên tổng số mắc còn rất ít.
Ông Phạm Minh Sơn khuyến cáo, để đảm bảo trẻ có hàm răng chắc khỏe, ở trẻ nhỏ, mỗi lần ăn xong, phụ huynh nên lau nướu của trẻ với miếng gạc thấm muối sinh lý 9% để loại bỏ mảng bám. Khi trẻ lớn hơn có thể hướng dẫn trẻ tự đánh răng bằng bàn chải kích cỡ phù hợp lứa tuổi, thời gian tối thiểu 2 phút sau mỗi lần ăn; sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride; cho trẻ uống nhiều nước hơn để làm sạch khoang miệng; tránh để trẻ ăn, uống nhiều đồ ngọt; khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần cho trẻ để phát hiện sâu răng, bệnh về răng và điều trị càng sớm càng tốt.
NGA LY