Thời gian qua, thông qua mô hình "Trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao kháng thuốc tại cộng đồng", Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã giúp nhiều bệnh nhân lao an tâm điều trị bệnh. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống bệnh lao.
Thời gian qua, thông qua mô hình “Trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân (BN) lao kháng thuốc tại cộng đồng”, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) tỉnh đã giúp nhiều BN lao an tâm điều trị bệnh. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống bệnh lao.
Hỗ trợ nhiều bệnh nhân nghèo
Mô hình “Trợ giúp xã hội đối với BN lao kháng thuốc tại cộng đồng” được Tổ chức Y tế thế giới và Cục Bảo trợ xã hội chọn Khánh Hòa là địa phương triển khai thí điểm từ năm 2016. Mô hình được triển khai tại 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh và Cam Lâm, nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với BN lao, lao kháng thuốc; gia tăng số lượng các nhóm dân cư yếu thế được phòng ngừa, sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm BN lao tại cơ sở. Đồng thời, mô hình còn đảm bảo các dịch vụ tốt nhất đối với BN và gia đình như: Tư vấn, tham vấn, chăm sóc, kết nối tạo việc làm và các dịch vụ xã hội khác...
Bà N.T.H (67 tuổi, tổ 12 phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) thuộc hộ cận nghèo. Năm 2009, bà H. mắc bệnh lao phổi. “Khi mới bắt đầu điều trị, tôi cảm thấy sức khỏe dần ổn định, nhưng năm 2016, bệnh của tôi tái phát. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi chán nản không muốn chữa nữa. Cuối năm 2017, nhờ cán bộ CTXH của phường đến vận động, thường xuyên đưa tôi vào Nha Trang khám và lấy thuốc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi nên bây giờ tôi yên tâm hơn”, bà H. cho biết.
Ông N.V.T (60 tuổi, tổ 7 thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) cho biết, ông nhập viện điều trị bệnh lao từ tháng 3-2019 đến nay. Là hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào người vợ buôn bán lặt vặt, ông đã từng có ý định bỏ cuộc. Nhờ cộng tác viên CTXH thị trấn động viên nên ông tiếp tục ở lại điều trị. Kiên trì uống thuốc, bây giờ, sức khỏe của ông đã khá hơn. Hôm được ra viện, ông mừng lắm. Về nhà, ông cũng yên tâm vì thuốc lao được gửi về tận trạm y tế xã, ông chỉ cần đến trạm tiêm và lấy thuốc về uống.
Tiếp tục truyền thông phòng, chống bệnh lao
Theo ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm CTXH-QBTTE tỉnh, trong 2 năm đầu tiên (2016, 2017) thí điểm mô hình, số lượng BN lao kháng thuốc do trung tâm quản lý là 18 người. Từ năm 2018 - 2020, trung tâm đã tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chỉ đạo cộng tác viên CTXH phối hợp với trạm y tế tiến hành rà soát số lượng BN đang được quản lý, điều trị tại các xã, phường. Đến nay, có 2.453 BN được trung tâm quản lý, điều trị tại cộng đồng; 100% ca có hoàn cảnh khó khăn được xem xét hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng, sinh kế và bảo hiểm y tế. Ngoài ra, trung tâm còn tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng cho 9.547 lượt người về sự cần thiết phải thực hiện trợ giúp xã hội đối với người bị bệnh lao phổi đang sống tại cộng đồng, các phương pháp phòng tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng dân cư, phương pháp hỗ trợ, chăm sóc người bị bệnh lao cho gia đình người bệnh…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai mô hình vẫn còn gặp khó khăn. “Nguyên nhân chính là do thời gian điều trị bệnh dài, từ 6 đến 8 tháng nên không ít người bỏ cuộc, khiến cho việc theo dõi ngắt quãng, cộng tác viên phải thường xuyên đến vận động người dân. Nhiều ca bệnh phải đến vận động 5 - 6 lần mới chịu đi khám lại”, ông Đỗ Hữu Nhơn - cộng tác viên CTXH phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa cho biết.
Ông Trần Hiệp cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho các cộng tác viên về kỹ năng truyền thông trong phòng, chống lao phổi và lao kháng thuốc. Trong đó, tập trung vào thực trạng, nguy cơ và các phương pháp chữa trị, phòng tránh, trợ giúp cung cấp các thông tin, kiến thức liên quan trực tiếp tới BN, gia đình BN, cộng đồng và xã hội. Qua đó, giúp thay đổi suy nghĩ, nhận thức của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, tạo ra môi trường an toàn để hỗ trợ hòa nhập cho BN đạt hiệu quả.
THANH TRÚC