10:10, 07/10/2020

Những lưu ý chăm sóc răng cho trẻ dưới 3 tuổi

Răng sữa không chỉ giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng hiệu quả mà còn hỗ trợ trong quá trình tập nói, tập phát âm cũng như quá trình hình thành nên cá tính của trẻ. Mặt khác, răng sữa còn có vai trò giữ khoảng, định hướng cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Do vậy, cha mẹ cần quan tâm chăm sóc để trẻ có một hàm răng sữa khỏe mạnh.

Răng sữa không chỉ giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng hiệu quả mà còn hỗ trợ trong quá trình tập nói, tập phát âm cũng như quá trình hình thành nên cá tính của trẻ. Mặt khác, răng sữa còn có vai trò giữ khoảng, định hướng cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Do vậy, cha mẹ cần quan tâm chăm sóc để trẻ có một hàm răng sữa khỏe mạnh.


Theo bác sĩ Lê Trung Hải - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ở giai đoạn bào thai, mầm răng sữa bắt đầu hình thành khi trẻ còn ở trong bụng mẹ. Vào thời điểm trẻ ra đời, tất cả mầm răng sữa đều đã hình thành và nằm bên dưới lợi. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, người mẹ cần chú ý đến việc bổ sung thêm chất khoáng như ăn các loại đồ ăn, thức uống giàu canxi như thịt, cá, trứng và sữa giúp hỗ trợ quá trình khoáng hóa mầm răng sữa của con. Phụ nữ mang thai cũng nên giữ gìn vệ sinh răng miệng và đi khám răng trong giai đoạn thai kỳ.

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra răng cho trẻ mầm non.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra răng cho trẻ mầm non.


Ở giai đoạn sơ sinh và tập đi, chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên khi trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi. Đến tầm 3 tuổi thì hầu hết hàm răng sữa bao gồm 20 chiếc răng đã xuất hiện đầy đủ trong khoang miệng. Khi những chiếc răng mọc, lợi sẽ nứt ra để răng nhú lên, điều này thường khiến trẻ khó chịu và hay đưa tay lên miệng để mút. Cha mẹ có thể mua dụng cụ gặm nướu bằng silicon cho trẻ gặm, giúp trẻ giảm khó chịu trong thời kỳ răng mọc. Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng gel bôi lợi mua ở hiệu thuốc bôi trực tiếp lên vùng răng mọc để giảm đau và giảm viêm.


Bác sĩ Hải lưu ý, dinh dưỡng chính cho trẻ dưới 6 tháng tuổi đến từ sữa mẹ. Vì thế, nên cho trẻ bú trực tiếp, hoặc có thể vắt sữa ra bình cho trẻ nhưng không nên cho trẻ ôm bình sữa đi ngủ. Việc trẻ ngậm ti hoặc ngậm bình sữa trong lúc ngủ không chỉ tăng nguy cơ bị sâu răng mà còn có thể bị sặc và tiềm ẩn nguy cơ bị viêm tai giữa. Vì vậy, luôn bế trẻ khi cho trẻ bú bình chứ không nên đặt trẻ trong cũi và không có sự giám sát của người lớn. Từ 6 đến 12 tháng, trẻ có thể bắt đầu chuyển từ bú bình sang bú bằng cốc và sau 1 tuổi, trẻ chỉ nên uống sữa từ cốc. Cầm cốc và uống từ cốc là một kỹ năng quan trọng cần thiết phải dạy cho trẻ.


Đồ uống có đường (nước ngọt đóng chai, nước tăng lực, nước quả đóng hộp), đồ uống có ga và nước hoa quả có thể gây sâu răng. Vì trong nước quả cũng có một hàm lượng đường tự nhiên nhất định, đồ uống có ga có chứa acid có thể làm hỏng men răng. Trẻ dưới 12 tháng tuổi không cần bổ sung các loại nước trên. Ngược lại, các loại sữa không đường và nước trắng là thức uống dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Nước máy đun sôi còn có hàm lượng fluoride nhất định giúp tăng cường khoáng hóa men răng mà các loại nước khoáng đóng chai không có.


Từ 6 tháng tuổi trở đi, có thể cho trẻ tập nhai thức ăn thô. Trẻ từ 12 tháng tuổi có thể cho tập ngồi ăn cùng gia đình và thử các loại thực phẩm lành mạnh và đa dạng. Tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao là nguyên nhân chính gây sâu răng ở trẻ. Đối với việc vệ sinh và chăm sóc răng cho trẻ, cha mẹ có thể sử dụng vải mềm hoặc bàn chải nhỏ với đầu lông chải mềm và nước sạch để làm sạch răng cho bé. Việc vệ sinh răng miệng cần bắt đầu ngay khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Đến tầm 18 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu sử dụng kem đánh răng với một lượng nhỏ bằng hạt đậu. Nên khuyến khích trẻ nhổ bỏ kem đánh răng thừa sau khi chải răng nhưng không cần súc miệng lại. Việc chải răng và lợi cần được tiến hành 2 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi ăn sáng. Trẻ dưới 3 tuổi khi chải răng cần có sự giúp đỡ của cha mẹ, trẻ tự chải răng thì phụ huynh cần phải kiểm tra lại, nếu chưa sạch thì cha mẹ nên chải lại răng cho con. Cha mẹ cần lựa chọn bàn chải đánh răng có kích cỡ phù hợp với lứa tuổi và hàm răng của trẻ. Đầu lông bàn chải mềm để trẻ có thể chải cả lợi. Kem đánh răng cho trẻ dưới 6 tuổi cần chú ý hàm lượng fluoride, thông thường từ 500ppm và không vượt quá 1.000ppm.


Bắt đầu từ 2 tuổi, trẻ cần được đi khám răng để phát hiện các lỗ sâu sớm và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần kiểm tra răng miệng trẻ thường xuyên. Quan sát nếu thấy có các điểm trắng đục trên bề mặt răng, đặc biệt ở răng hàm trên thì đó chính là chỉ điểm của sâu răng sớm. Lúc này, cha mẹ nên đưa con đến phòng khám răng để được tư vấn và điều trị.


Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)