Chung tay với các cấp, ngành và nhân dân cả nước phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân, cơ sở y tế ở tỉnh Khánh Hòa đã có những sáng tạo thiết thực góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.
Chung tay với các cấp, ngành và nhân dân cả nước phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân, cơ sở y tế ở tỉnh Khánh Hòa đã có những sáng tạo thiết thực góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.
Những ngày này, đến Phòng khám nha khoa Nguyễn Đắc Cật (TP. Nha Trang), ngay tại khu vực vào phòng khám, thay cho các chai sát khuẩn tay nhanh để trên bàn như trước là dụng cụ đạp chân để lấy dung dịch sát khuẩn. Dụng cụ này khá đơn giản, gọn nhẹ khoảng 2kg, được cấu tạo gồm 1 thân cây sắt dài hơn 1m, bên dưới có gắn bàn đạp, ở phía trên gắn miếng sắt rộng khoảng 50cm, dài 40cm chứa chai dung dịch và đầu nhún. Với cơ chế hoạt động giống như bút bi bấm lò xo, người sử dụng chỉ cần đạp nhẹ bàn đạp được đặt bên dưới, lò xo sẽ đẩy lõi bên trong thân sắt ấn vào đầu nút chai sát khuẩn, dung dịch từ trong chai sẽ tự chảy ra tay. Nếu việc dùng tay để nhấn nút lọ nước sát khuẩn có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm vi rút từ người này sang người khác thì dụng cụ này giúp giải quyết được vấn đề trên. Sau khi sử dụng dụng cụ này, ông Nguyễn Hà Nam (phường Phước Tân, TP. Nha Trang) cho biết: “Bây giờ tới cơ sở y tế nào cũng phải sát khuẩn tay nhanh, việc dùng chung chai sát khuẩn dễ lây nhiễm. Vì vậy, tôi thấy dụng cụ này đơn giản nhưng hiệu quả phòng dịch rất tốt”.
Ông Nguyễn Đắc Thành - Phòng khám nha khoa Nguyễn Đắc Cật, người chế tạo ra dụng cụ này chia sẻ, làm trong ngành Y nên ông hiểu rõ nguy cơ lây nhiễm chéo khi nhiều người cùng dùng chung 1 chai sát khuẩn. Do đó, ông trăn trở tìm cách hạn chế con đường lây nhiễm này. Sau nhiều ngày suy nghĩ và lên ý tưởng, giữa tháng 3, ông bắt tay chế tạo dụng cụ đạp chân để lấy dung dịch sát khuẩn. Qua nhiều lần chỉnh sửa, đầu tháng 4, dụng cụ chính thức hoàn thiện và được gia đình ông đưa vào sử dụng ở phòng khám. Thấy dụng cụ hữu ích, ông đưa lên facebook của mình, hướng dẫn cách thực hiện để nhiều người biết và chế tạo. Ưu điểm của dụng cụ này là kết cấu bằng sắt nên rất chắc chắn, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều loại kích thước khác nhau của các bình chứa dung dịch sát khuẩn. Nó phù hợp đặt ở những nơi công cộng như: trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cửa hàng, quán ăn, nhà máy, xí nghiệp, bến xe… Tổng chi phí sản xuất ra bộ dụng cụ khoảng 200.000 đồng. Hiện nay, có nhiều người đặt ông sản xuất giúp bộ này.
Bên cạnh đó, ông Thành còn chế tạo dụng cụ dội nước bồn cầu bằng chân, có tác dụng lớn trong việc hạn chế lây nhiễm vi rút qua tay, nhất là ở những bồn cầu công cộng. Chi phí chế tạo dụng cụ này rất thấp và khá đơn giản. Vật liệu chế tạo chỉ cần 1 móc dán và ống nhựa (độ dài tùy thuộc vào chiều cao của bồn cầu). Móc dán được dán dính vào nút ấn nước ở bồn cầu. Đối với ống nhựa, 1 đầu hơ cho nóng, làm dẹp và bẻ cong 90° (dùng làm bàn đạp), đầu còn lại khoét một lỗ. Sau đó, móc lỗ ở ống nhựa vào móc dán là hoàn thành. Khi sử dụng, người dùng chỉ cần đạp vào phần dẹp của ống nhựa, nước trong bồn chứa tự xả, không cần phải đụng tay vào nút ấn nước.
Khi dịch bệnh diễn ra, trong tỉnh và cả nước xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, trong khi đó, môi trường ở các cơ sở y tế, nguy cơ phát tán và lây lan vi rút rất cao. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhất là ngăn ngừa giọt bắn tiếp xúc vào mặt ngoài khẩu trang vải cho nhân viên y tế, gia đình ông Thành và nhiều cơ sở y tế trong tỉnh chế tạo ra mặt nạ che chắn chống giọt bắn bằng tấm phim nhựa. Bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đầu tháng 3, Đoàn Thanh niên của bệnh viện đã sáng tạo mặt nạ che chắn bằng tấm phim nhựa. Ưu điểm của mặt nạ này giúp giảm được sự lây lan qua giọt bắn của nước bọt trong không khí cho nhân viên y tế khi công tác. Qua đó tránh lây nhiễm chéo, hạn chế được tình trạng phải cách ly hàng loạt nhân viên y tế như đã xảy ra ở một số bệnh viện ở Hà Nội”.
Những sáng kiến trên tuy đơn giản nhưng đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
C.ĐAN