Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết người được sử dụng thường xuyên.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết người được sử dụng thường xuyên.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 8 triệu người chết do hút thuốc lá và khoảng 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. WHO chỉ ra có đến 70% các trường hợp tử vong là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) không được thực hiện, dự kiến trong thời gian đến sẽ có khoảng 1 tỷ người chết vì tác hại của thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.
Theo PGS Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Giám đốc Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động, tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc lá bị chết sớm và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên. Ở những nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, ngược lại sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong khu vực ASEAN, có khoảng 121 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, các nước trong ASEAN đã phải chi nguồn ngân sách đáng kể cho y tế liên quan đến hậu quả của việc hút thuốc lá, gấp nhiều lần so với thu ngân sách từ thuốc lá đem lại.
Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3%; có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Tỷ lệ này ở nữ giới là 1,1%. Việt Nam có khoảng 28,5 triệu người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình; khoảng 5,9 triệu người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động, do ốm đau và tử vong sớm liên quan đến thuốc lá lên tới hơn 23.000 tỷ đồng/năm.
Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá cao trong việc ban hành các văn bản PCTHTL. Tháng 11-2004 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Tháng 6-2012 Quốc hội thông qua các quy định của Công ước khung, Luật PCTHTL và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Luật quy định toàn diện về quyền, tránh nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác PCTHTL; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm cung và giảm cầu thuốc lá, các điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Luật PCTHTL là văn bản pháp lý quan trọng, cao nhất và toàn diện, thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ và đầu tư của Việt Nam trong công tác PCTHTL và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để góp phần thực thi Luật PCTHTL, Nghị định số 176 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL cũng được Chính phủ ban hành vào năm 2013 bao gồm các hành vi vi phạm, thẩm quyền và mức xử phạt trong PCTHTL. Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 2015 - 2018, các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tại các cơ sở, số tiền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định của lĩnh vực PCTHTL là hơn 706 triệu đồng. Báo cáo của Bộ Công an về xử lý các vụ nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính hơn 14.000 trường hợp; xử lý hình sự hơn 1.000 vụ, nộp ngân sách nhà nước hơn 170 tỷ đồng tiền phạt; tịch thu, tiêu hủy hơn 43 triệu bao thuốc lá và 20 tấn nguyên liệu thuốc lá.
Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh)