10:11, 29/11/2019

Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV

5 năm gần đây, Khánh Hòa đã nỗ lực thoát khỏi danh sách tỉnh, thành trọng điểm về dịch HIV/AIDS, số người nhiễm hiện ở mức trung bình. Có được kết quả trên là nhờ ngành Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

5 năm gần đây, Khánh Hòa đã nỗ lực thoát khỏi danh sách tỉnh, thành trọng điểm về dịch HIV/AIDS, số người nhiễm hiện ở mức trung bình. Có được kết quả trên là nhờ ngành Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thành công mô hình can thiệp giảm tác hại dựa vào cộng đồng. Qua đó, đã duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tiếp cận cộng đồng ở các nhóm đồng đẳng thực hiện việc tiếp cận, tư vấn, thử phản ứng nhanh HIV tại cơ sở cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao (mại dâm, nghiện chích ma túy, đồng tính nam có quan hệ tình dục…). Hàng năm, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch, 1.300 lượt phụ nữ bán dâm và 1.000 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục được nhận bao cao su miễn phí. Đồng thời, thông qua sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, đến nay, có khoảng 93,8% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có thẻ bảo hiểm y tế.

 

Tư vấn cho bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Tư vấn cho bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm HIV.


Cùng với các hoạt động trên, công tác tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai hầu hết ở các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân (phòng khám đa khoa và bệnh viện). Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhiễm HIV và có nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị. Thông qua đó, hàng năm, toàn tỉnh có gần 30.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Riêng 10 tháng năm 2019, có 42.827 lượt người, phát hiện 149 người dương tính với HIV. Các cơ sở y tế công lập ở 8 huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã kiện toàn cơ sở vật chất, triển khai hoạt động tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Đến nay, hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đã được chuyển về các bệnh viện tuyến huyện; 100% trạm y tế triển khai cấp thuốc ARV cho bệnh nhân. Toàn tỉnh hiện có 895 bệnh nhân đang được điều trị ARV (chiếm hơn 94%). Bên cạnh mô hình trên, toàn tỉnh triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 3 cơ sở, 2 điểm cấp phát thuốc cho 530 bệnh nhân.


Ngành Y tế còn triển khai thành công mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với hơn 11.000 lượt phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh được tư vấn, xét nghiệm HIV/năm. Riêng 10 tháng năm 2019, có hơn 13.190 lượt, thông qua mô hình này phát hiện có 7 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Tất cả các trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị thuốc ARV kịp thời, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

Tính đến ngày 31-10, tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống và đang được quản lý trên địa bàn tỉnh là hơn 1.130 trường hợp. Địa phương có số người nhiễm cao nhất là TP. Nha Trang chiếm hơn 62,%, tiếp đến huyện Diên Khánh 9,7%, TP. Cam Ranh 9,1%, thị xã Ninh Hòa 7,5%, huyện Vạn Ninh 6,5%, huyện Cam Lâm 3,4%, huyện Khánh Vĩnh 1%, huyện Khánh Sơn 0,2%.

Đi cùng với đó, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh và đa dạng về nội dung. Trong đó, mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS có sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sở, ban, ngành được triển khai và đạt hiệu quả cao. Thông qua hình thức truyền thông trực tiếp đã có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hiểu rõ, hiểu đúng về HIV/AIDS và cách phòng, chống hiệu quả...


Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết: “Tuy hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh những năm qua đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiện nay, dịch bệnh trên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dai dẳng và phức tạp. Nguyên nhân là do các đối tượng nghiện ma túy ngày càng đa dạng, tình trạng mua bán dâm khó kiểm soát, nhóm MSM (quan hệ đồng tính nam) khó tiếp cận để can thiệp. Trong khi đó, hình thái lây nhiễm HIV vẫn tập trung và tăng trên các nhóm đối tượng này”.


Năm 2020, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng phấn đấu đạt các mục tiêu: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.


C.Đan