Ngày 27-12, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà cho biết, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị T. (46 tuổi, xã Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) bị ngộ độc nặng, hôn mê sâu do ăn ốc bùn bống.
Ngày 27-12, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hoà cho biết, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị T. (46 tuổi, xã Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) bị ngộ độc nặng, hôn mê sâu do ăn ốc bùn bống.
Bệnh nhân T. nhập viện chiều 26-12, trong tình trạng hôn mê sâu, không có huyết áp, mạch không bắt được. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực cho thở máy, dịch truyền, giải độc, vận mạch nâng huyết áp liên tục. Tuy nhiên, đến nay tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân không được cải thiện nhiều, tiên lượng xấu.
Người nhà bệnh nhân T. cho biết, khoảng 11 giờ ngày 26-12, cả gia đình có đánh bắt được mớ ốc và luộc ăn. Có 4 người ăn, nhưng chỉ có bệnh nhân T. sau khi ăn có triệu chứng tê bì, tay chân, miệng lưỡi, mệt nhiều, cảm giác yếu người. Người nhà đưa bệnh nhân nhập vào bệnh viện tư, sau gần 1 tiếng đồng hồ bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển về BVĐK tỉnh Khánh Hoà.
Theo bác sĩ Kỷ, mỗi năm BV đã tiếp nhận vài trường hợp bị ngộ độc nặng do ăn ốc bùn bống. Nguyên nhân do độc tố Tetrodotoxin có trong ốc bùn bóng là loại độc tố thần kinh cực mạnh, cấu trúc khá đặc biệt nên độc tố này không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao. Triệu chứng lâm sàng thường gặp khi ăn phải loại ốc này là trong vòng 20 phút đến 3 giờ có cảm giác tê, rát ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đầu, nôn mửa, loạng choạng… có thể chết sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. “Không phải loại ốc nào cũng ăn được, trước khi ăn, người dân phải nhận dạng được từng loại để tránh bị ngộ độc. Sau khi ăn bất cứ loại ốc biển nào có triệu chứng mô tả như trên, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời” - bác sĩ cảnh cáo.
C.Đan