08:09, 02/09/2019

Làm gì để phòng bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc là do bệnh tim mạch. Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh tim mạch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc là do bệnh tim mạch. Tăng huyết áp và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh tim mạch.

 

Điều tra quốc gia năm 2015 cho thấy, cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có 1 người bị ĐTĐ. Ước tính hiện nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người bị ĐTĐ. Nguyên nhân của sự gia tăng các bệnh này là do sự gia tăng các hành vi nguy cơ có thể phòng tránh được, đó là: hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý và tiêu thụ nhiều muối gấp 2 - 3 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 5gam muối/ngày/người.

 

Xét nghiệm đường huyết tại cơ sở y tế.

Xét nghiệm đường huyết tại cơ sở y tế.


ĐTĐ là bệnh nội tiết quan trọng, liên quan đến chuyển hóa nhóm chất carbohydrate, tiêu biểu là glucose, cung cấp năng lượng cho tất cả tế bào trong cơ thể. Do vậy, bệnh ĐTĐ gây ra rất nhiều biến chứng mạn tính trên nhiều hệ thống, đối với tim mạch là tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, xơ tắc động mạch ngoại vi. Khi glucose máu cao gây tổn thương tại chỗ và suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra nhiễm trùng. Người bị ĐTĐ rất dễ mắc lao phổi, tổn thương bàn chân, viêm đường tiểu. ĐTĐ gây ra tổn thương các động mạch nhỏ ở thận, làm giảm chức năng lọc của thận, gây suy thận. Đối với thần kinh, bệnh gây ra cảm giác đau, tê, nóng ở bàn chân, tăng tiết mồ hôi. Đối với mắt, sau 5 - 7 năm mắc bệnh ĐTĐ, khoảng 1/3 người bệnh ĐTĐ sẽ có thể bị biến chứng như: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bệnh lý võng mạc, tổn thương hệ mao mạch ở đáy mắt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa ở người bệnh ĐTĐ. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh ĐTĐ cần kiểm tra mắt định kỳ để giúp phát hiện sớm, điều trị sớm các biến chứng võng mạc của mắt.

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có phòng khám giúp tư vấn kiểm soát các bệnh tăng huyết áp, ĐTĐ đặt tại số 4 Quang Trung, TP. Nha Trang, số điện thoại liên lạc: 0258.3822069

Đối với tăng huyết áp, một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Tăng huyết áp có thể gây biến chứng lên mắt, não, tim, thận… khiến người bệnh mắc một số căn bệnh như: đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phình tách động mạch… Các chuyên gia tim mạch lưu ý, những người mắc bệnh tăng huyết áp, mỡ máu hoặc bệnh tim mạch cần kiểm soát cân nặng, không để tăng cân, chỉ số khối cơ thể nên ở mức 20 - 33; cần chú ý chất béo ăn vào, nên hạn chế những chất béo bão hòa ở mỡ động vật 4 chân; các loại mỡ cá, mỡ gà, vịt, gia cầm có thể chấp nhận được. Không nên ăn phủ tạng động vật rất dễ gây xơ vữa động mạch gây tăng huyết áp.


Mọi người nên tăng những yếu tố giúp bảo vệ phòng tránh tăng huyết áp là ăn nhiều rau, trung bình một ngày 4 lạng rau, ưu tiên những loại rau lá màu xanh thẫm, ăn nhiều quả chín. Không nên ăn mặn, chỉ nên ăn dưới 5gam muối/ngày/người. Hạn chế ăn dưa muối, tẩm ướp đồ ăn, hạn chế rượu bia. Cần tăng cường vận động thể lực, cụ thể chọn môn tập thể dục phù hợp, đạp xe, đi bộ, chạy với tần suất ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 - 60 phút. Cần có lối sống điều độ, giảm căng thẳng lo âu, giải tỏa stress.


Bệnh tăng huyết áp diễn ra rất thầm lặng, các bác sĩ khuyến cáo khi thấy bất cứ gì khác thường trong cơ thể như: mệt, nặng đầu, chóng mặt, tim đập mạnh nên đo huyết áp. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình; mỗi năm nên khám sức khỏe, đo huyết áp tại cơ sở y tế.


Bảo Trâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)