10:08, 26/08/2019

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Chữa phình mạch vành bằng stent có màng bao phủ

Mới đây, Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống bệnh nhân bị tổn thương nặng ba nhánh mạch máu nuôi tim, trong đó có một nhánh mạch máu phình rất lớn có nguy cơ vỡ bằng phương pháp  can thiệp qua da bằng stent mạch vành có màng bao phủ.
 

Mới đây, Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống bệnh nhân bị tổn thương nặng ba nhánh mạch máu nuôi tim, trong đó có một nhánh mạch máu phình rất lớn có nguy cơ vỡ bằng phương pháp  can thiệp qua da bằng stent mạch vành có màng bao phủ.
 
Bệnh nhân Phạm Thị Hai (76 tuổi, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hoà) nhập vào BVĐK tỉnh Khánh Hòa, trong tình trạng đau ngực trái,  tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu với chẩn đoán ban đầu đau thắt ngực không ổn định. Sau khi làm các cận lâm sàng, bệnh nhân được chỉ định chụp mạch vành qua da, kết quả cho thấy bệnh nhân Hai bị tổn thương nặng ba nhánh mạch máu nuôi tim, đặc biệt trong đó có một nhánh mạch máu tổn thương phình rất lớn (kích thước phình mạch 8x10x14mm) có nguy cơ vỡ, khả năng cao gây tử vong cho bệnh nhân.

 

Sức khỏe bệnh nhân Hai ổn định sau can thiệp.
Sức khỏe bệnh nhân Hai ổn định sau can thiệp.
 
Để tránh biến chứng vỡ chổ phình, sau khi hội chẩn, Khoa Can thiệp Tim mạch quyết định can thiệp cấp cứu mạch máu phình lớn bằng stent có màng bao xung quanh stent (gọi là Covered stent) kích thước 2,5-20 mm. Sau can thiệp, sức khoẻ bệnh nhân Hai ổn định, qua chụp mạch vành kiểm tra không thấy hình ảnh phình, dòng máu lưu thông tốt.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Thưởng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, người thực hiện can thiệp chính cho biết, đây là trường hợp phình mạch vành lớn đầu tiên bệnh viện gặp phải. Phình mạch vành là khi đoạn mạch tổn thương phình có đường kính lớn hơn đoạn mạch thông thường từ 1,5 đến 2 lần. Nguyên nhân thường gặp là do: xơ vữa mạch, tổn thương mạch trong bệnh Takayasu (viêm động mạch vành) và Kawasaki (sưng viêm các mạch máu nhỏ và vừa), bẩm sinh, can thiệp mạch vành. Bệnh lý phình mạch vành rất ít gặp, chiếm tỷ lệ 0,3- 4,6% bệnh nhân chụp mạch vành, thường không có triệu chứng. Ở một số trường hợp có triệu chứng đau thắt ngực, tràn dịch màng tim gây chèn ép, suy tim. Biến chứng hay gặp là hình thành huyết khối trong lòng mạch máu phình, thuyên tắc ở đoạn xa gây nhồi máu cơ tim, và nguy hiểm nhất là vỡ phình mạch, dẫn tới bệnh nhân sẽ tử vong do tình trạng mất máu cấp.
 
Tổn thương phình động mạch vành là một dạng tổn thương trong nhóm bệnh lý nặng của động mạch vành. Các biện pháp điều trị cũng tương tự như điều trị các tổn thương các mạch vành hẹp nặng. Về kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da cũng tương tự như can thiệp nhóm bệnh nhân tổn thương mạch vành nặng nguy cơ cao. Tuy nhiên, sự khác nhau trong điều trị chính là sự lựa chọn dụng cụ can thiệp (Stent). Đối với những Stent hay dùng để điều trị các tổn thương mạch vành khác Stent có cấu trúc dạng lưới, máu có thể lưu thông qua lại mắt lưới của Stent, vì vậy, nếu đặt Stent loại này vào các tổn thương phình mạch huyết khối trong đoạn phình có thể thoát qua mắt lưới Stent đi vào lòng mạch để gây ra tắc cấp mạch máu và gây nhồi máu cơ tim dai dẳng, ngược lại máu vẫn tiếp tục vào được đoạn phình mạch do đó vẫn tồn tại nguy cơ vỡ mạch dai dẳng. Stent có màng sinh học polyurethane (Stent PK Papyrus Covered), dùng trong điều trị Phình mạch vành là Stent có màng bao phủ bên ngoài, có ưu điểm khi đặt vào tổn thương phình mạch tạo ra sự chuyển dòng mạch máu, không gây ra tình trạng huyết khối trong lòng mạch, cải thiện tình trạng thuyên tắc, dự phòng vỡ phình mạch.
 
“Đây là giải pháp hữu hiệu trong can thiệp các tổn thương phình mạch vành. Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật này, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao, thao tác can thiệp lúc đặt stent phải rất cẩn thận để phòng huyết khối trôi vào lòng mạch sẽ gây nhồi máu cơ tim” – Phó Giáo sư Thưởng cho biết thêm.
 
Can thiệp mạch vành qua da được khoa Can thiệp Tim mạch triển khai nhiều năm và đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật phức tạp trong can thiệp, qua đó, đã điều trị và cứu sống hàng ngàn bệnh nhân. Đối với trường hợp bệnh nhân Hai, bên cạnh cứu sống, khoa còn vận động các nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân.
 
C.Đan