11:09, 09/09/2019

Giá dịch vụ y tế: Tăng không quá cao

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13 và 14 thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế có bảo hiểm y tế và ngoài phạm vi bảo hiểm y tế. Theo đó, từ ngày thông tư có hiệu lực (20-8), các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai thực hiện.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13 và 14 thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế có bảo hiểm y tế (BHYT) và ngoài phạm vi BHYT. Theo đó, từ ngày thông tư có hiệu lực (20-8), các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai thực hiện.


Mức tăng từ 2 đến 10%


Ngay sau khi có quyết định tăng giá của Bộ Y tế, các bệnh viện (BV) trong tỉnh đã niêm yết công khai mức tăng của các dịch vụ ở bảng thông báo cho người bệnh theo dõi. Với mức tăng từ 2 đến 10% đối với các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm, phẫu thuật..., nhiều người bệnh cho rằng mức tăng này là hợp lý. Bà Trần Thị Ngọc Nga (TP. Nha Trang) khám bệnh tại BV Đa khoa tỉnh chia sẻ, theo cơ chế thị trường, việc tăng giá là điều bình thường. BV yêu cầu đóng bao nhiêu tiền thì bệnh nhân đóng bấy nhiêu chứ cũng không biết tăng bao nhiêu. Bà Nguyễn Thị Kim Loan đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Với mức tăng như thế tôi thấy không quá ảnh hưởng”.

 

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Theo ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán - BV Đa khoa tỉnh, đợt tăng giá này tăng theo lương cơ bản, theo lộ trình từng năm. Mức điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đợt này được áp dụng với hơn 1.900 dịch vụ. Đối với BV hạng đặc biệt, BV hạng I, giá khám bệnh tăng từ 37.000 đồng lên 38.700 đồng; BV hạng II từ 33.000 đồng tăng lên 34.500 đồng; BV hạng III từ 29.000 đồng lên 30.500 đồng. Giá một số dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng nhẹ như: siêu âm từ 42.100 đồng lên 43.900 đồng; nội soi ổ bụng từ 815.000 đồng lên 825.000 đồng; nội soi ổ bụng có sinh thiết: 968.000 đồng lên 982.000 đồng…


Ảnh hưởng nhất đến người không có bảo hiểm y tế


Với mức tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới, những đối tượng gồm: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, đối tượng chính sách thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT... được BHYT chi trả 100% nên sẽ không bị ảnh hưởng khi đi khám, chữa bệnh. Người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả là 5% hay những người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 5 - 20% thì mức độ tăng chi phí không đáng kể hoặc có thì cũng không nhiều. Đối với những người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến mà có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Như vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh lần này chỉ ảnh hưởng nhiều nhất đến những người không có BHYT.


Theo cơ quan quản lý, khi các cơ sở khám, chữa bệnh phải tự chủ thu chi thì việc điều chỉnh tăng giá viện phí là cần thiết, để các BV có thêm nguồn kinh phí, chi trả lương theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (tăng từ ngày 1-7-2019). Bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Ngày 20-8 mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong khi lương cơ bản của nhân viên tăng từ ngày 1-7. Như vậy, quỹ lương BV tăng lên 7%. Tăng giá dịch vụ y tế hay không tăng thì BV vẫn luôn xác định chất lượng, sự hài lòng của bệnh nhân là trên hết. Những năm gần đây, BV luôn nỗ lực nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên y tế, chất lượng điều trị, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân, nhất là đối với việc áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị. Năm 2018, chúng tôi thực hiện 56 đợt chuyển giao kỹ thuật với các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, dự kiến năm 2019 sẽ còn tăng gần gấp đôi”.


Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,34%. Tại các BV, nguồn thu từ BHYT chiếm tới 80 - 90%. Việc tăng giá dịch vụ y tế đối với những người có thẻ BHYT cũng đòi hỏi các BV trong toàn tỉnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Bởi, nếu không nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì sẽ không thu hút người dân đến khám và điều trị, như vậy, BV sẽ không có nguồn thu, không có kinh phí để hoạt động.


C.Đan