08:07, 31/07/2019

Không muỗi vằn, lăng quăng, không còn sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 67.800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, có 5 trường hợp tử vong, số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Cục Y tế Dự phòng cảnh báo trong thời gian đến, bệnh sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt để phòng, chống.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 67.800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), có 5 trường hợp tử vong, số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Cục Y tế Dự phòng cảnh báo trong thời gian đến, bệnh SXH có thể tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt để phòng, chống.


Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh ghi nhận có 6.554 trường hợp mắc SXH, 1 trường hợp tử vong. TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với 3.523 trường hợp; thị xã Ninh Hòa 1.149 trường hợp; huyện Diên Khánh 590 trường hợp; Vạn Ninh 439 trường hợp; TP. Cam Ranh 401 trường hợp; huyện Cam Lâm 346 trường hợp.

 

Cán bộ Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu nước có chứa lăng quăng  ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Diên Khánh.

Cán bộ Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu nước có chứa lăng quăng ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Diên Khánh.


Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 3 tỷ người sống trong vùng SXH lưu hành với 50 - 100 triệu người mắc bệnh và tỷ lệ tử vong lên tới 2,5% hàng năm. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh SXH có thể gây thành dịch lớn, bệnh nặng có thể gây tử vong. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm vi rút Dengue và mắc bệnh. Ở Việt Nam, những vùng bệnh SXH lưu hành nặng như miền Nam và Nam Trung Bộ, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn; ở các vùng khác, tỷ lệ mắc bệnh giữa trẻ em và người lớn là ngang nhau.


SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.


Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào (có thể tích trữ nước đến 7 ngày đều có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH). Những dụng cụ chứa nước như: chum vại, bể, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, phuy chứa nước, dụng cụ chứa nước bằng nhựa, bát kê chân tủ đựng thức ăn trong bếp, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, giếng nước cạn, khay nước của tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, lọ hoa ở trong nhà, dụng cụ chứa nước quanh nhà những nơi râm mát.


Diệt muỗi và diệt lăng quăng là biện pháp chủ động phòng bệnh hữu hiệu và đơn giản nhất. Do đó, mỗi gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; đậy kín các vật dụng chứa nước để không có lăng quăng; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến; loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước trong nhà và xung quanh nhà không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.


Những người có dấu hiệu bị bệnh SXH nên đến các cơ sở y tế huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách; không tự ý điều trị tại nhà.


QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)