10:06, 30/06/2019

Tổn thương đám rối thần kinh ở trẻ: Dễ khiến trẻ bị tàn tật tay

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay gây rất nhiều khó khăn trong vận động cho trẻ. Nếu không điều trị sớm, trẻ có thể bị tàn tật một bên tay.

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay gây rất nhiều khó khăn trong vận động cho trẻ. Nếu không điều trị sớm, trẻ có thể bị tàn tật một bên tay. Việc phẫu thuật điều trị đòi hỏi kỹ thuật cao. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh là BV tuyến tỉnh đầu tiên được chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh lý này.
 
 
Mới đây, BVĐK tỉnh tiếp nhận nhiều kỹ thuật điều trị bệnh lý chấn thương chỉnh hình nhi do đoàn bác sĩ BV Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh chuyển giao. Trong đó, có kỹ thuật điều trị bệnh lý tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ. 
 
Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn - Trưởng khoa Nhi, BV Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh lý này do tai biến của sản khoa gây ra, tỷ lệ trẻ bị mắc rất ít, từ 1/1.000 đến 1/5.000 trẻ sinh ra. Tổn thương này hay gặp ở trường hợp trẻ sinh khó, thai to, ngôi ngược. Khi bác sĩ cần phải đưa trẻ ra sớm, sẽ có những tác động đưa bé ra nhanh làm tổn thương đám rối thần kinh ở tay. Biểu hiện đầu tiên nhận biết bệnh lý này từ khi sinh ra cho đến 3 tháng tuổi, trẻ có dấu hiệu mất chức năng gập duỗi một bên tay. Nếu trẻ bị nhẹ, đa số sẽ phục hồi sau 3 tháng mà không cần phải điều trị; nếu trẻ bị nặng, cần phải được can thiệp phẫu thuật sớm. Thời điểm vàng để phẫu thuật cho trẻ là từ 3 đến 9 tháng tuổi, tốt nhất trước 6 tháng tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời trong năm đầu tiên, trẻ có thể bị liệt hoàn toàn cánh tay. Ở một số trẻ bị nhẹ hơn vẫn có thể thực hiện phẫu thuật sau 1 tuổi. 
 
 
Khám bệnh đám rối thần kinh ở tay của trẻ.
Khám bệnh đám rối thần kinh ở tay của trẻ.
 
 
Năm 2010, BV Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận kỹ thuật này từ 1 chuyên gia người Pháp và triển khai điều trị thành công cho hàng trăm ca. BVĐK tỉnh là BV đầu tiên được BV Chấn thương Chỉnh hình chuyển giao lại kỹ thuật này. Phẫu thuật chỉnh hình tổn thương đám rối thần kinh cánh tay cho trẻ đòi hỏi kỹ thuật cao. Đi cùng với đó, do các bé quá nhỏ nên quá trình gây mê, hậu phẫu sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên phải có tay nghề cao. “Chính vì thế, chúng tôi tiến hành chuyển giao theo nhiều giai đoạn. Hiện nay, chúng tôi đang chuyển giao giai đoạn đầu, theo hướng hỗ trợ chuyên môn để các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh thực hiện khám, phát hiện sàng lọc bệnh, đánh giá giai đoạn, diễn tiến bệnh. Đối với những ca bị nhẹ, sẽ hướng dẫn cách tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ; những trẻ bị nặng sẽ chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật. Giai đoạn 2, sẽ chuyển giao dần kỹ thuật phẫu thuật theo hướng cầm tay chỉ việc bằng cách đưa bác sĩ vào BV Chấn thương chỉnh hình để học trực tiếp, đồng thời kết hợp ra đây để phẫu thuật”, bác sĩ Mẫn cho biết.
 
Bác sĩ Phạm Đình Thành - Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý, khi thấy những bất thường ở tay trẻ như: khó cử động, không gập duỗi được nên sớm đưa trẻ đến BV để điều trị kịp thời, tránh tình trạng trẻ bị liệt cánh tay vì quá muộn.
 
Thảo Ly