Đề tài "Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và xếp loại đạt. Đề tài này đã đưa ra phương pháp điều trị mới cho người mắc bệnh lý trên.
Đề tài “Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và xếp loại đạt. Đề tài này đã đưa ra phương pháp điều trị mới cho người mắc bệnh lý trên.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ nhiệm đề tài, bệnh viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay (còn được gọi khuỷu tay quần vợt) thường xảy ra khi người bệnh chơi các loại thể thao hay bất kỳ công việc đòi hỏi sử dụng cánh tay với cường độ mạnh và lặp đi lặp lại. Tổn thương cơ bản là viêm nơi bám của gân cơ duỗi cổ tay quay, với đặc trưng là đau tại vùng lồi cầu ngoài cánh tay và gây suy giảm chức năng vận động trong các hoạt động thường ngày. Tần suất mắc bệnh của bệnh lý này xấp xỉ 1 - 3% trong các bệnh lý xương khớp, nhóm tuổi có nguy cơ mắc cao từ 35 đến 50 tuổi.
Để điều trị bệnh lý này, một số bệnh nhân được áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn như: nghỉ ngơi, sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, băng ép, phục hồi chức năng, châm cứu, tiêm botox, tiêm corticosteroids… Tuy nhiên, những liệu pháp điều trị truyền thống này không hiệu quả ở nhiều trường hợp. Để thay thế cho những phương pháp truyền thống, nhiều nước trên thế giới áp dụng liệu pháp điều trị sinh học mới là dùng PRP. PRP - huyết tương giàu tiểu cầu là một chế phẩm từ máu với hàm lượng tiểu cầu cao có chứa nhiều yếu tố tăng trưởng cùng các phân tử sinh học. Nhờ đó, PRP giúp kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh tốc độ phục hồi tại chỗ của các mô tế bào bị tổn thương, chấm dứt cơn đau nhanh chóng, mang lại hiệu quả điều trị vượt trội so với các biện pháp điều trị đau thông thường. Ở phương pháp này, bác sĩ trích khoảng 25ml máu của bệnh nhân, tiến hành tách PRP. Tiểu cầu sau khi tách chiết được tiêm ngược trở lại cơ thể bệnh nhân để phóng thích các protein (còn gọi là yếu tố tăng trưởng), từ đó kích thích chữa lành mô và vết thương.
“Phương pháp sử dụng PRP trong điều trị các bệnh lý về xương khớp còn khá mới tại Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng. Chúng tôi thực hiện đề tài với mục tiêu nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của phương pháp, qua đó nâng cao hơn chất lượng điều trị cho người bệnh”, bác sĩ Mai chia sẻ.
Từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2018, đã có 50 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp PRP. Đây là những bệnh nhân bị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay kéo dài trên 3 tháng; không đáp ứng với các điều trị truyền thống trước đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả và tính an toàn của PRP tại bệnh viện với tỷ lệ cải thiện triệu chứng đau là 81,8% và cải thiện chức năng vận động 78,7% sau 6 tháng điều trị; đồng thời không có biến chứng trầm trọng nào được ghi nhận.
Bệnh nhân Nguyễn Thịnh B. (45 tuổi, ở Nha Trang) chơi thể thao nhiều năm. Năm trước, ông bị đau nhiều ở cổ tay. Sau khi được bác sĩ tư vấn, ông B. tham gia điều trị bằng phương pháp PRP. Sau hơn một tháng điều trị, tay của ông B. dần phục hồi, cử động tốt hơn ở các tư thế, không còn đau nhức. Ông B. chia sẻ: “Tôi thấy kỹ thuật này đơn giản, an toàn và hiệu quả. Ngay sau khi tiêm, tôi được yêu cầu giữ ở vị trí ngửa bàn tay không di chuyển trong 15 phút. Sau khi về nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ tôi nghỉ ngơi trong 24 giờ. Sau một ngày, có thể thực hiện được các động tác giãn duỗi gân cơ. Qua 4 tuần, tôi đã được thực hiện các hoạt động thể thao”.
Thành công của đề tài đã đưa ra một phương pháp ứng dụng mới trong điều trị viêm gân mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay mạn tính. Hiệu quả của nó, còn là tiền đề cho các ứng dụng tiếp theo của PRP trên các bệnh lý xương khớp khác. Ngoài ra, kỹ thuật mới này có thể được chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Qua đó, người dân được sử dụng một phương pháp điều trị tiên tiến, hiệu quả tại địa phương mà không phải tốn kinh phí đi xa.
Bác sĩ Mai kiến nghị: “Chi phí một lần tiêm PRP là 4,5 triệu đồng. Để người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật mới, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ tại bệnh viện, chúng tôi đề xuất nên áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế cho kỹ thuật trên trong điều trị các bệnh lý xương khớp”.
C.Đan