Lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao (Mycobacteriae tuberculosis) gây ra. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp.
Lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao (Mycobacteriae tuberculosis) gây ra. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, mọi người cần phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lao phổi để có giải pháp điều trị kịp thời. Sự chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Một khi gặp phải những dấu hiệu như: sốt dai dẳng về chiều, ho ngày càng tăng, đau ngực, khó thở hoặc nghi ngờ có khả năng mắc lao, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để làm những xét nghiệm chuẩn xác.
Hiện nay, đã có các phác đồ trị bệnh lao, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh sẽ điều trị dứt bệnh. Với người bệnh lao phổi, không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất vì dễ lây lan cho người khác. Khi bệnh đang phát triển cần ngủ giường riêng, dùng riêng chén đũa, cốc chén và phải rửa bằng nước sôi sau khi dùng. Áo quần, chăn màn hằng tuần phải được ngâm nước sôi. Cần kiên trì điều trị lao đúng thời gian và theo hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn. Mục đích của việc điều trị lao (chủ yếu dùng thuốc) là tiêu diệt hết vi khuẩn lao ở nơi tổn thương để khỏi bệnh và tránh tái phát, hạn chế các biến chứng và tử vong, dập tắt các nguồn lây lan cho cộng đồng. Tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng tránh bệnh lao.
Lao phổi tái phát là tình trạng bệnh nhân nhiễm lao phổi đã điều trị khỏi nhưng bị mắc lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao phổi tái phát như trong thời gian điều trị trước dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý ngưng thuốc, thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh (người nhiễm lao), sức đề kháng suy yếu... Việc điều trị lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì khả năng chữa khỏi vô cùng thấp. Thạc sĩ Tài khuyến cáo, để lao phổi không tái phát, cần phát hiện sớm nguồn lây chính trong cộng đồng và điều trị triệt để. Khi điều trị, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn đúng và đủ theo thời gian quy định tới khi người bệnh khỏi hoàn toàn. Sau khoảng 3 tuần được điều trị thuốc đầy đủ, khả năng lây bệnh sẽ giảm đi. Trước và sau giai đoạn này, tránh để người bệnh tiếp xúc với người không mắc bệnh. Khi người bệnh ở nhà cần có phòng riêng, thoáng mát, sạch sẽ. Sau khi điều trị dứt bệnh, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để nắm được tình trạng, khả năng phục hồi bệnh. Đồng thời, giúp bác sĩ xác định có tiềm ẩn vi khuẩn lao trong cơ thể hay không, qua đó tư vấn biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi tái phát phù hợp.
Thông thường con đường lây lan của lao phổi chủ yếu qua đường hô hấp, vì vậy rất khó kiểm soát. Những bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc đàm, hắt hơi… đều cho ra ngoài môi trường hàng nghìn đến hàng triệu vi khuẩn lao, người bình thường hoặc người đã điều trị lao phổi khỏi khi hít phải đều có thể bị nhiễm lao. Do đó, hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị lao phổi là điều rất quan trọng. Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc hoặc thường xuyên tiếp xúc cần trang bị các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Đối với những người đã điều trị lao phổi, thường gặp phải những tổn thương về đường hô hấp, phổi, gan... Vì vậy, khi đã ra viện, dù bệnh đã được kiểm soát cũng cần phải tăng cường sức đề kháng để chống lại những vi khuẩn lao có thể xâm nhập cơ thể.
Một đặc điểm cần lưu ý của bệnh lao phổi là vi khuẩn lao chỉ gây bệnh khi sức đề kháng, hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Vì vậy, để có sức đề kháng tốt những người đã điều trị lao khỏi cần hạn chế sử dụng, lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá… ; bảo vệ cơ thể khỏi những chất gây hại cho đường hô hấp như khói bụi, chất bẩn…; thực hiện lối sống sinh hoạt điều độ và khoa học.
Bs TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh)