09:10, 24/10/2018

Phát hiện sớm dị tật bàn chân khoèo

Nghiên cứu cho thấy cứ 1.000 trẻ lại có 1 trẻ bị dị tật chân khoèo. Trong đó có 50% trường hợp bị chân khoèo cả hai bên. Điều quan trọng là phải phát hiện bệnh sớm để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Nghiên cứu cho thấy cứ 1.000 trẻ lại có 1 trẻ bị dị tật chân khoèo. Trong đó có 50% trường hợp bị chân khoèo cả hai bên. Điều quan trọng là phải phát hiện bệnh sớm để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.


Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bàn chân khoèo là dị tật rất thường gặp trong những dị tật chi dưới ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những dị tật ở vùng cổ bàn chân. Chân khoèo là tình trạng bàn chân bị duỗi, xoay trong, khép bàn chân trước và thường kèm theo xoay trong của xương chày. Trong bệnh lý bàn chân khoèo, tổ chức phần mềm kết nối phần cơ với phần bám tận vào nền xương bị co rút ngắn hơn bình thường. Bản chất bệnh lý bàn chân khoèo không làm cho trẻ đau đớn nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sau này khi trẻ lớn lên sẽ dẫn tới mất cân bằng trầm trọng, làm cho trẻ đứng và đi lại khó khăn. Nếu bệnh được phát hiện và có kế hoạch điều trị sau sinh thì khoảng hơn 90% các ca bệnh đạt kết quả tốt mà không cần phải can thiệp phẫu thuật.

 

Bàn chân khoèo.

Bàn chân khoèo.


Về nguyên nhân chính của bệnh hiện nay vẫn chưa được khẳng định. Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra như: do gen, di truyền hoặc phối hợp cả 2 yếu tố trên dẫn tới rối loạn trong phát triển bào thai làm cho xương mác phát triển chậm, khiếm khuyết phát triển phần sụn của xương sên, yếu tố thần kinh gen bị phát triển rối loạn, biến dạng của diện bám của gân vào xương; hoặc trẻ bị mắc dị dạng toàn thân, thiếu nước ối khi người mẹ mang thai; ảnh hưởng của khói thuốc lá, khói bụi công nghiệp, nhiễm trùng, mắc bệnh viêm nhiễm vi rút trong quá trình người mẹ mang thai...


Bác sĩ Mai cho biết triệu chứng của bệnh là trục của ngón chân cái bị thay đổi làm cho ngón cái xoay và hướng lên trên. Bàn chân bị biến dạng thường nhỏ, bị co rút và ngắn lại, nửa sau duỗi đổ, co gấp về phía trong. Bắp chân bị thiểu dưỡng và teo nhỏ so với bình thường. Cổ và bàn chân duỗi đổ, gân Achilles bị co rút, gót chân có xu hướng lên cao. Nhìn tổng thể bàn chân bệnh lý ngắn và nhỏ hơn bàn chân bình thường. Với kỹ thuật thăm khám hiện tại cùng với việc thăm khám và chẩn đoán trước sinh, bệnh lý này có thể phát hiện được khi người mẹ mang thai từ tuần thứ 18. Tuy nhiên, việc can thiệp nhằm điều trị trong giai đoạn bào thai hiện nay còn chưa thực hiện được, do vậy, việc phát hiện điều trị ngay sau khi sinh vô cùng quan trọng.


Điều trị có thể tiến hành ngay sau sinh khoảng 1 - 2 tuần với nhiều phương pháp. Phương pháp Ponseti: xoa bóp, nắn chỉnh bằng tay nhẹ nhàng nhằm chỉnh sửa dần dần các biến dạng xấu, sau đó bất động bằng bột, có thể thay bột nhiều lần sau mỗi lần chỉnh sửa. Can thiệp tối thiểu vào gân Achilles và tiếp tục bất động bằng bột hoặc nẹp chỉnh hình. Phương pháp French method: phương pháp này cần phối hợp chặt chẽ cùng gia đình, đặc biệt với người mẹ, trẻ được đeo nẹp chỉnh hình 20 - 23 giờ/ ngày. Tiêu chuẩn vàng của kết quả điều trị là đạt được sự hoàn hảo về chức năng làm cho trẻ đứng lên, đi lại hoặc chạy nhảy trên nền đất cứng mà không đau. Điều trị bằng phẫu thuật chỉ đặt ra khi bàn chân khoèo biến dạng nặng hoặc bị co rút biến dạng nặng khi trẻ đã lớn.


Bệnh lý bàn chân khoèo gây ra các biến chứng làm biến dạng nặng nề về hình thái dẫn tới các trở ngại về chức năng, làm cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút đặc biệt người bệnh đi lại tập tễnh, chân ngắn chân dài; lệch trục của chi; thoái hóa sớm trực tiếp các khớp của cổ bàn chân, thoái hóa khớp gối, khớp háng...; cong vẹo cột sống, lệch khung chậu. Nếu bệnh lý dị tật bàn chân khoèo không được điều trị bệnh nhân có thể gặp biến chứng viêm khớp sau này; người bệnh có thể bị teo khối cơ cẳng chân...


Bác sĩ Mai khuyến cáo, để phòng ngừa dị tật bàn chân khoèo, người mẹ không nên hút thuốc hoặc thường xuyên ở môi trường ảnh hưởng bởi khói thuốc; không nên lạm dụng rượu; không dùng các chất kích thích trong quá trình mang thai. Khi sinh ra, thấy trẻ có những bất thường về chân như nói trên, cần đưa trẻ tới bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và tư vấn điều trị.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)