Bên cạnh các tác hại như: gây ung thư phổi, bệnh tim mạch, các vấn đề về răng miệng..., trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học lại đưa thêm cảnh báo về tác hại của thuốc lá, đó là có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động và cấu trúc gen trong cơ thể con người.
Bên cạnh các tác hại như: gây ung thư phổi, bệnh tim mạch, các vấn đề về răng miệng..., trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học lại đưa thêm cảnh báo về tác hại của thuốc lá, đó là có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động và cấu trúc gen trong cơ thể con người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, bên trong khói thuốc có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 70 tác nhân gây ung thư. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết vì 17 loại ung thư được cho là có liên quan đến khói thuốc. Và ung thư là những tế bào đột biến, nó phân tách theo cấp số nhân và không thể kiểm soát.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Viện Wellcome Trust Sanger, Cambridge (Anh), họ đã lựa chọn một bệnh nhân ung thư phổi điển hình và phân tích toàn bộ bộ gen của người này. Kết quả chỉ ra có tới 23.000 đột biến DNA đã được tích lũy trong các tế bào phổi. Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các bệnh ung thư đều được gây ra bởi những sai hỏng trong mã gen di truyền. Ung thư xảy ra khi tế bào mất kiểm soát hành vi của nó. Chúng phát triển theo cách không bình thường tại một vị trí và thời điểm không thích hợp. Và đột biến của DNA hoàn toàn có thể được kích hoạt bởi các tác nhân môi trường. Trong trường hợp ung thư phổi, khói thuốc lá không phải là ngoại lệ. Và nó có thể gây ra bằng cách khói thuốc được truyền qua mọi thế hệ tế bào, gây ra những sai hỏng vĩnh viễn.
Trong một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Mỹ thực hiện, họ đã đo được các tổn thương di truyền nghiêm trọng ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể do hút thuốc lá gây ra. Họ phát hiện những người hút 1 gói thuốc lá một ngày, trung bình mỗi năm có thể gây ra 150 đột biến gen trong phổi. Và chính điều này giải thích lý do tại sao những người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn so với những người không hút. Ngoài việc gây đột biến gen trong các tế bào phổi, kết quả nghiên cứu còn cho thấy thuốc lá còn gây đột biến 97 gen trong thanh quản, 39 gen ở vòm miệng, 23 gen trong khoang miệng, 18 gen tại bàng quang, 6 gen ở gan.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra phải mất đến 15 năm sau khi cai thuốc, nguy cơ mắc ung thư phổi mới giảm xuống đến mức bình thường. Đó là khoảng thời gian để cho các tế bào phổi chứa đột biến có hại được thay thế bằng các tế bào mới không có khuyết tật.
Hiện nay, thuốc lá đang là một trong những tác nhân khiến cho tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh ung thư tăng lên nhanh chóng. Tốc độ gia tăng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới với số ca mắc mới đã tăng gấp hơn 2 lần sau 15 năm. Cụ thể, nếu như năm 1990, cả nước có khoảng 70.000 ca ung thư, đến năm 2015 tăng lên 150.000 bệnh nhân mới. Ước tính, đến năm 2020, con số này sẽ khoảng 200.000 ca.
Do đó, muốn ngăn chặn các đột biến và phòng tránh ung thư, tự bản thân người hút thuốc lá phải bỏ thuốc. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù hút thuốc gây ra đột biến DNA thường xuyên nhưng khi bỏ thuốc lá, các đột biến cũng sẽ dừng lại. Những người bỏ thuốc ở tuổi 30 gần như loại trừ nguy cơ chết sớm, trong khi những người bỏ thuốc ở độ tuổi 50 tỷ lệ này giảm còn khoảng 50%.
Ông Trần Ngọc Lê - Phó Trưởng phòng Y tế TP. Nha Trang khuyên: “Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá, vì sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng”.
THẢO DUNG