Những năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong cả nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, diễn biến phức tạp, dai dẳng...
Những năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong cả nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, diễn biến phức tạp, dai dẳng...
Còn nhiều nguy cơ lây nhiễm
Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc khá mạnh mẽ, quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí; công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của cộng đồng xã hội ngày càng cao; các mạng lưới phòng, chống dịch bệnh được duy trì, củng cố. Nhờ đó đã triển khai đồng bộ các dịch vụ, duy trì kết nối, hạn chế mất dấu, bỏ điều trị; giảm kỳ thị phân biệt đối xử, cải thiện sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, sự hỗ trợ về tài chính, chuyên môn kỹ thuật của một số tổ chức tài trợ trong nước và quốc tế đã góp phần hạn chế được tốc độ lây nhiễm HIV trên địa bàn. Kết quả, số nhiễm mới HIV giảm, số tử vong mới giảm, số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia điều trị chiếm 76% (toàn tỉnh hiện có 864 trường hợp nhiễm HIV còn sống). Đặc biệt, Khánh Hòa đã ra khỏi 10 tỉnh, thành trong nước có số người nhiễm HIV/AIDS cao.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là mối đe dọa lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng. Cụ thể, đã phát hiện phụ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ, nhân viên, phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV; nhiễm mới HIV tăng cao trong nhóm đồng tính nam có quan hệ tình dục (MSM) ở độ tuổi 18 - 25... Cùng với đó, sự kỳ thị và tự kỳ thị của người nhiễm HIV dẫn tới hệ quả còn nhiều người nhiễm, nghiện ma túy chưa tiếp cận điều trị, dễ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; công tác kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS tại một số đơn vị gặp khó khăn về hạ tầng, nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, điều trị bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS. Mặt khác, từ năm 2016, nguồn kinh phí dự án tài trợ kết thúc, trong khi đó kinh phí Trung ương không đủ bao cấp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngân sách tỉnh hạn hẹp nên việc triển khai các hoạt động gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến tính bền vững của chương trình.
Cần đẩy mạnh hoạt động phòng, chống
Để đạt được các mục tiêu đặt ra vào năm 2020, các cấp, ngành cần phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Theo đó, ngoài các hoạt động truyền thông, vận động cơ bản, để thực hiện được mục tiêu 90% số người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm, cần củng cố lại hoạt động mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng; tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho các cán bộ, mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV từ tỉnh đến xã. Cùng với đó, triển khai chương trình bơm kim tiêm đồng bộ với các biện pháp can thiệp khác; đồng thời kết nối tốt với các hoạt động điều trị HIV/AIDS, Methadone… Với mục tiêu 80% số phụ nữ bán dâm tiếp cận với chương trình bao cao su, cần duy trì và mở rộng hoạt động của mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng trong nhóm người bán dâm; tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; mở các buổi nói chuyện với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhân viên, tiếp viên nhà hàng, khách sạn và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, cơ sở kinh doanh du lịch...
Riêng với mục tiêu 70% số nam quan hệ tình dục đồng giới tiếp cận với chương trình bao cao su, cần giảm dần số lượng bao cao su cấp phát miễn phí, mở rộng mô hình tiếp thị xã hội bao cao su và phát triển qua kênh thương mại. Đặc biệt, với mục tiêu 600 người nghiện heroin được điều trị Methadone, ngoài việc đảm bảo các hoạt động và chỉ tiêu điều trị Methadone tại 3 cơ sở (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế Cam Ranh và Trung tâm Y tế Ninh Hòa), cần mở rộng một số điểm cấp phát thuốc Methadone tại các huyện không triển khai khám, điều trị Methadone nhưng có hơn 30 bệnh nhân cần điều trị với liều duy trì liên tục. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả và mở rộng độ bao phủ về công tác tư vấn xét nghiệm HIV và giám sát dịch HIV/AIDS; khuyến khích cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV trong hệ thống y tế tư nhân.
Cùng với đó, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông để đạt được mục tiêu 70% người dân từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, 85% người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV…
T.Ly