10:09, 27/09/2018

Bệnh tay chân miệng: Xuất hiện nhiều ca nặng

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 770 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 9, số ca mắc bệnh tăng cao, đáng lo ngại là có nhiều ca nặng và rất nặng.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 770 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 9, số ca mắc bệnh tăng cao, đáng lo ngại là có nhiều ca nặng và rất nặng.


Cháu Nguyễn Hữu A. (7 tháng tuổi, TP. Nha Trang) bị sốt nhưng tay chân không nổi nốt đỏ, gia đình nghĩ cháu chỉ bị sốt thông thường nên để ở nhà theo dõi. Tuy nhiên, hôm sau, khi thấy bệnh của cháu bắt đầu trở nặng, người nhà đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị thì cháu A. được chẩn đoán mắc tay chân miệng ở mức độ nặng. Sau đó 1 ngày, tình trạng bệnh của A. diễn tiến phức tạp hơn, chuyển sang mức độ 3 (rất nặng). Qua hội chẩn trực tiếp giữa các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, cháu A. phải chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

 

Khám bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Khám bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh ghi nhận đến 23 ca nặng và 6 trường hợp rất nặng. Đáng báo động, có đến 5 ca tay chân miệng nặng phải chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị. Hầu hết những bệnh nhi này đều dưới 6 tuổi. Trong khi những tháng trước đó, số ca tay chân miệng nặng nhập viện điều trị chỉ rải rác và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số ca mắc tay chân miệng trong toàn tỉnh bắt đầu tăng nhanh từ đầu tháng 9, đến nay ghi nhận 145 ca, tăng 81 ca so với tháng 8. Hiện tại, TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa có số ca mắc cao, chiếm hơn một nửa số ca mắc của toàn tỉnh.


Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết, chưa có thời điểm nào bệnh nhân khi nhập viện đã ở tình trạng nặng nhiều như những ngày gần đây, trong đó có những ca bệnh diễn tiến quá nhanh, buộc phải chuyển lên tuyến trên. Điều đáng lưu ý, trong số 3/6 ca bị mắc bệnh tay chân miệng nặng đang được điều trị tại bệnh viện, có 1 ca đang bị biến chứng viêm màng não. Điểm chung của 3 ca này là trước khi nhập viện, các trẻ đều được phụ huynh mua thuốc tự điều trị tại nhà hoặc đã điều trị ở các phòng khám tư. Trong quá trình điều trị, để hạn chế thấp nhất những diễn biến xấu của các ca nặng, bệnh viện thường xuyên phối hợp với bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh hội chẩn để đề ra các hướng điều trị phù hợp. Rất mừng là đến giờ chưa có trường hợp nào tử vong. Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với bệnh viện thường xuyên cử cán bộ lên điều tra dịch tễ học có can thiệp ở cộng đồng”.


Hiện nay đang là thời điểm đầu năm học mới nên bệnh có khả năng lây lan nhanh. Với những diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và ngành Y tế các cấp đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bệnh, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng, đặc biệt ở các trường mầm non và khu dân cư. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nếu để xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì thế, bên cạnh việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ thì khi phát hiện trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, các bậc phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.


T.Ly