11:06, 18/06/2018

Bệnh tay chân miệng gia tăng

Chưa bước vào những tháng cao điểm, nhưng những ngày này, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đã gia tăng, trong đó có những ca nặng.

Chưa bước vào những tháng cao điểm, nhưng những ngày này, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đã gia tăng, trong đó có những ca nặng.


Gia tăng số ca mắc


Thời gian gần đây, số trẻ đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới gia tăng. Bình quân mỗi tuần, BV khám và điều trị nội trú khoảng 35 - 40 ca, cá biệt có tuần lên đến gần 50 ca, trong đó có gần 1/2 số ca phải nhập viện điều trị nội trú, nhiều ca mắc ở độ 2 (độ nặng). Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng từ 3 tuổi trở xuống.

 

Kiểm tra bệnh cho trẻ mắc tay chân miệng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Kiểm tra bệnh cho trẻ mắc tay chân miệng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.


Ngồi chờ kết quả xét nghiệm cho con tại BV Bệnh nhiệt đới, ông Nguyễn Tuấn Minh (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) cho biết: “2 ngày trước, con tôi đi học về bị nóng sốt, sau đó trong miệng nổi lên nhiều nốt đỏ, nghi mắc bệnh tay chân miệng nên đưa vào BV để khám. Do nghỉ hè nên tôi gửi cháu ở nhóm trẻ gia đình, tôi không biết cháu lây bệnh từ đâu”. Chăm con ở phòng cấp cứu, bà Kiều Thị Hà Hồng (thị xã Ninh Hòa) cho biết, trước khi mắc bệnh tay chân miệng, cháu có học ở trường mầm non tư thục. Ngay khi con có các dấu hiệu của bệnh, bà cho con nhập viện điều trị ngay để tránh những biến chứng nặng.    


Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết, so với trước kia, nhận thức của người dân đã cao hơn, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến BV khá sớm, khi trẻ mới có những triệu chứng ban đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh rất chủ quan, tự điều trị tại nhà cho trẻ bằng cách ra ngoài tiệm mua thuốc cho con uống. “Điều đáng lo ngại là hiện nay, một số phụ huynh tự tìm hiểu trên mạng các triệu chứng, cách điều trị và tự điều trị cho con, chỉ đến khi trẻ bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế. Điều này rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, bởi những thông tin trên mạng chỉ hướng dẫn về lý thuyết cơ bản”, bác sĩ Bình cảnh báo.


Tăng cường phòng dịch


Mùa hè không phải là cao điểm của bệnh tay chân miệng, nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận hơn 400 ca mắc, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Số ca mắc có dấu hiệu gia tăng từ cuối tháng 4 đến nay.

 

Theo số liệu thống kê của BV Bệnh nhiệt đới, trong tháng 4, BV ghi nhận 155 ca mắc bệnh tay chân miệng,  trong đó có 62 ca phải nhập viện điều trị nội trú; đến tháng 5, số ca mắc tăng lên 189 ca, có 72 ca nhập viện. Riêng 10 ngày đầu tháng 6, có gần 50 ca mắc với 21 ca nhập viện.

Với diễn biến khá phức tạp của bệnh tay chân miệng, đầu tháng 5, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, có hướng xử lý các ổ dịch (nếu có). Hiện nay, trung tâm tổ chức nhiều đợt giám sát kiểm tra các bệnh truyền nhiễm như: cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết... tại các huyện, thị xã, thành phố. Riêng bệnh tay chân miệng tập trung giám sát tại các cơ sở giữ trẻ. Trung tâm cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để chuyển cho các huyện thực hiện công tác vệ sinh khi dịch xảy ra.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, đường lây bệnh tay chân miệng chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, bỏng nước bị vỡ, phân của trẻ bị nhiễm bệnh và các vật dụng như: đồ chơi, sàn nhà, bàn ghế bị nhiễm vi rút của trẻ bị mắc bệnh. 70 - 80% trẻ mắc dưới 3 tuổi.  Hiện nay là mùa hè, các trường công lập giảm việc nhận trẻ nên nhiều phụ huynh chuyển các cháu về nhóm trẻ gia đình. Đây là nơi không đảm bảo các điều kiện vệ sinh nên nguy cơ dịch tay chân miệng rất dễ xảy ra.


Trong đợt kiểm tra năm ngoái ở các nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non tư thục do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện cho thấy, nhiều người giữ trẻ không nắm được kiến thức về đường lây, khăn lau mặt các cháu thường dùng chung, các cơ sở chưa thường xuyên vệ sinh bề mặt sàn nhà, bàn ghế bằng xà phòng, các dung dịch diệt khuẩn hàng ngày. “Khó khăn hiện nay là ngành Y tế không có chức năng xử phạt nên khi kiểm tra, chúng tôi nhắc nhở là chủ yếu. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn về bệnh lý này cho nhà trẻ, mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình”, bác sĩ Dõng nói.


C.Đan