05:05, 17/05/2018

Hãy biết số đo huyết áp của mình

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính đến năm 2025, toàn thế giới có khoảng 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Tăng huyết áp diễn tiến âm thầm, bệnh gây biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính đến năm 2025, toàn thế giới có khoảng 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Tăng huyết áp diễn tiến âm thầm, bệnh gây biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế.


Huyết áp là áp lực của dòng máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo bởi sức co bóp hút - đẩy máu của tim và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp được chi phối bởi nhịp tim, các yếu tố co mạch, thể tích tuần hoàn. Khi đo huyết áp có hai trị số là huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu) phản ánh huyết áp của động mạch khi tim bóp, số thứ hai là huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương) phản ánh huyết áp khi tim giãn ra. Đối với người lớn, huyết áp dưới 120/80mmHg là huyết áp tối ưu. Nếu huyết áp từ 140/90mmHg hoặc cao hơn, bạn đã bị tăng huyết áp. Nếu người bệnh có bệnh đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận, huyết áp tốt nhất là dưới 130/80mmHg. Cán bộ y tế sẽ đo huyết áp vài lần trong một khoảng thời gian trước khi khẳng định người đó có bị tăng huyết áp hay không.

 

Đo huyết áp cho người dân ở trạm y tế.

Đo huyết áp cho người dân ở trạm y tế.


Có khoảng 90 - 95% các trường hợp bị tăng huyết áp không có nguyên nhân. Có một số yếu tố làm gia tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, được gọi là yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ gồm có: thừa cân, béo phì; có chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 23; ăn nhiều muối, hút thuốc lá gây co mạch và tăng xơ vữa mạch máu; uống rượu thường xuyên; thiếu vận động và những người thường bị áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Các yếu tố nguy cơ này có thể điều chỉnh được, phụ thuộc vào sự thay đổi hành vi của mỗi người. Những người có người thân trong gia đình bị tăng huyết áp, hoặc người cao tuổi nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cũng tăng lên. Có những bệnh nhân còn trẻ mắc bệnh tăng huyết áp do có các bệnh lý về thận như: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn; sỏi thận, sỏi niệu quản, hẹp động mạch thận; các bệnh lý về nội tiết như: cường tuyến giáp, cường tuyến yên, bệnh u tủy thượng thận; u vỏ thượng thận; bệnh hở van động mạch chủ, bệnh hẹp eo động mạch chủ; ở phụ nữ có trường hợp tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén.


Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì, nên nhiều người bị tăng huyết áp mà không biết; khi có biến chứng do tăng huyết áp gây ra mới biết. Vì vậy tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Mọi người hãy biết số đo huyết áp của mình; kiểm tra sức khỏe bằng cách đến các cơ sở y tế để đo huyết áp hoặc tự đo tại nhà. Thông tin đo huyết áp tại nhà sẽ giúp cung cấp thông tin cho cán bộ y tế, đồng thời tăng thêm sự gắn kết của người bệnh tăng huyết áp với chế độ điều trị.


Khi mắc bệnh tăng huyết áp sẽ gây tăng gánh nặng cho tim và hệ thống động mạch, tim làm việc nặng hơn, trong thời gian dài nên có xu hướng to ra, lâu ngày quá giới hạn dẫn đến suy tim. Tăng huyết áp thúc đẩy gây xơ vữa động mạch, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành mạn tính, bệnh động mạch chủ hoặc động mạch ngoại vi. Bên cạnh đó, tăng huyết áp gây tổn thương thận và mắt. Các nghiên cứu đã cho thấy người bị tăng huyết áp nếu không được kiểm soát, nguy cơ bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần; suy tim tăng 6 lần; đột quỵ tăng 7 lần; các biến chứng có thể âm thầm, có thể cấp tính, đe dọa tính mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh tăng huyết áp.


Các bác sĩ tim mạch nhấn mạnh, mọi người hoàn toàn có thể phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp thông qua việc tuân thủ điều trị, kết hợp với việc giảm cân, chế độ ăn phù hợp, tập luyện thể dục thể thao hợp lý. Về chế độ ăn uống cần giảm tối đa ăn mặn. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới một người chỉ nên ăn khoảng 6gam muối/ngày, tương đương dưới 1 muỗng cà phê muối. Tăng cường ăn trái cây, rau quả, các loại ngũ cốc và gạo chế biến thô, thực phẩm nhiều xơ; không ăn da, phủ tạng động vật, giảm ăn các thực phẩm chế biến sẵn; chiên, xào. Nếu bị thừa cân cần có chế độ ăn và tập luyện phù hợp. Mỗi ngày cần tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút và nên tập luyện phương pháp phù hợp với sức khỏe. Điều chỉnh lối sống bằng cách không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia, sống hài hòa với cuộc sống...


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)