05:05, 28/05/2018

Cần quan tâm tư vấn tâm lý học đường

Khi những rối loạn lo âu (căng thẳng, hồi hộp) vượt quá mức, có thể sẽ trở thành bệnh lý. Tỷ lệ người mắc bệnh này chiếm khoảng từ 1,5 đến 3,5% dân số.

Khi những rối loạn lo âu (căng thẳng, hồi hộp) vượt quá mức, có thể sẽ trở thành bệnh lý. Tỷ lệ người mắc bệnh này chiếm khoảng từ 1,5 đến 3,5% dân số.


Một nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhật Hoa - Trường Đại học Y dược Huế vào năm 2016 ở 828 học sinh (HS) lớp 12 học tại các trường PTTH công lập ở TP. Huế cho thấy, tỷ lệ HS được nghiên cứu có biểu hiện trầm cảm chiếm 51,4%; có biểu hiện lo âu 59,7%; mức độ lo âu nặng chiếm 17,9%; có 31,6% HS có cả 3 biểu hiện trầm cảm, lo âu và stress. Các yếu tố liên quan đến tình trạng trầm cảm, lo âu và stress của HS là do áp lực học tập, sự khiển trách của các bậc phụ huynh đối với các em khi mắc lỗi, bản thân các em cảm nhận không đạt được chỉ tiêu học tập do mình đặt ra hoặc những mối quan hệ gay gắt với bạn bè. Ngoài ra, còn có những yếu tố như: tình trạng hôn nhân của bố mẹ, việc kiểm tra học tập, thời gian học ở nhà, đi học thêm, mức độ khiển trách của giáo viên...


Theo bác sĩ Nguyễn Ánh Chương - Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh, trầm cảm là trạng thái cảm xúc buồn rầu, chán nản khác với phản ứng buồn chán nhất thời ở người bình thường. Biểu hiện của trầm cảm ngoài giảm khí sắc còn kèm nhiều triệu chứng cơ thể. Người trầm cảm thường buồn rầu, ủ rũ, mất hoặc giảm sự quan tâm đến mọi việc, không còn ham thích gì kể cả vui chơi. Người bệnh mệt mỏi, khó tập trung chú ý, giảm sự tự tin, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng. Vì vậy, nhiều bệnh nhân trầm cảm thường đến những chuyên khoa khác để khám và có thể bị bỏ sót chẩn đoán trầm cảm.


Lo âu là một rối loạn cảm xúc, đặc trưng bởi cảm xúc lo sợ lan tỏa, khó chịu kèm những triệu chứng như: đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Lo âu làm ảnh hưởng đến đời sống tâm lý con người về tình cảm, nhận thức, hành động, giao tiếp. Khi rối loạn lo âu lặp đi lặp lại thường xuyên, nhiều lần trong ngày, kéo dài, lúc đó được xem là bệnh lý. Rối loạn lo âu biểu hiện đa dạng, có nguyên nhân từ yếu tố di truyền, yếu tố sinh học dẫn truyền thần kinh, do sang chấn tâm lý, hoặc do nguyên nhân xã hội, tình trạng hôn nhân, kinh tế.


Stress trở thành bệnh lý khi tình huống gây stress quá bất ngờ, dữ dội, lặp đi lặp lại vượt quá ngưỡng của chủ thể. Trong stress bệnh lý, các rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi diễn biến cấp tính và kéo dài; phản ứng một cách dữ dội và tức thì. Về biểu hiện tâm lý, stress gây ra những thay đổi về chú ý, trí nhớ, tư duy và ngôn ngữ. Hàng ngày, hàng giờ mỗi người đều chịu tác động của nhiều loại stress; stress có gây bệnh hay không phụ thuộc vào đặc điểm gây bệnh của stress và sức chống đỡ của con người.


Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhật Hoa, đối với HS nhất là HS trong những đợt thi cử rất cần sự trợ giúp tâm lý học đường. Qua đó, giúp các em khai thác những tiềm năng của bản thân, ứng phó một cách có hiệu quả trước những khó khăn tâm lý mà các em gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, góp phần cân bằng, ổn định phát triển nhân cách toàn diện của lứa tuổi này. Trong nghiên cứu, tỷ lệ HS đã từng tìm đến chuyên gia tâm lý chỉ 7%; tỷ lệ HS có nhu cầu tìm đến các hoạt động trợ giúp về tâm lý khi gặp vấn đề là 64%. Nội dung các em mong muốn được trợ giúp là học tập, hướng nghiệp, tình bạn, tình yêu, giới tính, gia đình, khám phá bản thân, sức khỏe sinh sản; hình thức mong muốn được tư vấn trực tiếp chiếm gần 60%; 9% mong muốn tư vấn qua điện thoại.


Để phòng, chống trầm cảm, rối loạn lo âu và stress cho các em HS, bố mẹ, gia đình không nên gây áp lực học tập quá mức lên con em mình, giúp các em có thời gian thực hiện công việc học tập, nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên động viên, thông cảm, chia sẻ những vui buồn của con, cùng các em tìm ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề khó khăn. Các thầy cô cần gần gũi, quan tâm đến đời sống tinh thần của các em, lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng chính đáng và giúp các em giải tỏa những vướng mắc, khó khăn trong học tập và đời sống. Nhà trường cần có những mô hình hoạt động trợ giúp tư vấn tâm lý, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý học đường, qua đó giúp các em giải quyết kịp thời những khó khăn tâm lý gặp phải và phòng ngừa những khó khăn có thể xảy ra.


Khi đã được bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh, người bệnh cần sớm được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Việc điều trị chủ yếu là ngoại trú, không ảnh hưởng đến công việc, hoạt động và giao tiếp của người bệnh. Cụ thể, bác sĩ sẽ giải quyết những biểu hiện của lo âu, tập cho bệnh nhân cách thư giãn, tập hít thở sâu, thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng, từ đó làm giảm và hết dần các triệu chứng bệnh.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Khánh Hòa)