05:03, 21/03/2017

Tắc, nghẽn động mạch ở chân: Dễ gây biến chứng nặng

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh lý tắc, nghẽn động mạch các chi (còn gọi là tắc, nghẽn động mạch ngoại biên), thường gặp nhất là ở chi dưới.

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh lý tắc, nghẽn động mạch các chi (còn gọi là tắc, nghẽn động mạch ngoại biên), thường gặp nhất là ở chi dưới. Có bệnh nhân điều trị giữ được chân, nhưng có bệnh nhân phải cắt cụt do bệnh quá nặng.


Bác sĩ (BS) Lê Viết Huấn - Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK tỉnh cho biết, việc phát hiện sớm bệnh có vai trò rất quan trọng, vì nếu để muộn sẽ gây ra những biến chứng nặng nề như: hoại tử chi, phải cắt cụt chi, có thể dẫn tới tình trạng xơ vữa ở các động mạch khác bao gồm cả động mạch cấp máu cho tim và não. “Điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng muộn, bệnh đã ở giai đoạn nặng. Có những ca chúng tôi phẫu thuật, giúp các chi được phục hồi. Tuy nhiên, có những ca vào viện trong tình trạng mạch máu bị xơ vữa quá nặng, bắt buộc chúng tôi phải cắt bỏ toàn bộ chân hay khu vực bị hoại tử hoặc phải chuyển lên tuyến trên”, BS Huấn nói.

 

Thực hiện ca phẫu thuật tắc, nghẽn động mạch ngoại biên
Thực hiện ca phẫu thuật tắc, nghẽn động mạch ngoại biên

 

Bệnh tắc, nghẽn động mạch mãn tính ngoại biên thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung và chi dưới làm giảm dòng máu nuôi ở các phần này. Nguyên nhân chính của bệnh là do lòng động mạch bị các mảng xơ vữa bám vào, các mảng này phát triển lớn dần gây hẹp và có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng chảy trong lòng mạch.

Bệnh nhân Trần Q. (62 tuổi, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) kể, 3 năm trước, chân phải của ông thường xuyên đau nhức, mu bàn chân bị lở, không lành. Cứ nghĩ là bệnh người già nên ông tự mua thuốc uống, đến khi đau nhức nhiều, đi đứng không được ông mới đến BVĐK tỉnh và được chẩn đoán bị tắc động mạch đùi phải mãn tính nặng. Ông được các BS phẫu thuật ghép nối động mạch đùi. Sau phẫu thuật, ông đi lại được, tình trạng đau nhức giảm hẳn.


Trong khi đó, bệnh nhân Nguyễn M. (42 tuổi, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) phẫu thuật lần thứ 2 vì bệnh lý này. Bệnh nhân M. cho biết, năm 2014, ông thường xuyên bị nhức và đau chân, nhiều lúc không đi lại được. Nhập viện, ông được chẩn đoán bị tắc, nghẽn động mạch đùi trái. Các BS đã thực hiện phẫu thuật, giúp ông đi lại được bình thường. Tuy nhiên, sau khi về nhà, do tuân thủ không đúng chỉ định của BS nên 2 năm sau chân ông bị đau nhức trở lại.

 

 2 năm gần đây, dưới sự giúp đỡ, tư vấn về chuyên môn của đoàn phẫu thuật mạch máu của BS Trần Viết Tú đến từ Cộng hòa Pháp, Khoa Ngoại Lồng ngực, BVĐK tỉnh đã bước đầu thực hiện được một số trường hợp phẫu thuật phối hợp can thiệp nội mạch (phẫu thuật Hybrid) để điều trị bệnh lý trên. Ưu điểm của phẫu thuật này có thể áp dụng tốt cho những bệnh nhân có thương tổn phức tạp, nhiều vị trí, bệnh nhân cao tuổi mắc nhiều bệnh lý: tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường… mà mổ mở hay can thiệp mạch máu đơn thuần khó thực hiện.

BS Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, những người thường xuyên hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... có nguy cơ mắc bệnh tắc, nghẽn động mạch ngoại biên cao hơn so với những người khác. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là khi đi bộ, trèo cầu thang hoặc khi gắng sức xuất hiện cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân. Triệu chứng này sẽ đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút.


Trong giai đoạn sớm của bệnh, nhiều bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào. Vì thế, nhiều người dễ nhầm với bệnh của tuổi già nên tự mua thuốc uống để điều trị. Do đó, các trường hợp vào viện thường muộn khi đã có biến chứng của bệnh như: vết loét trên da chân khó lành, đau nhiều và tím đầu chi hay hoại tử chi. Dựa trên mức độ của bệnh, BS sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là thích hợp. Sau điều trị, người bệnh cần lưu ý phải kiên trì thực hiện các biện pháp luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn như chỉ dẫn của BS.


“Bệnh tắc, nghẽn động mạch ngoại biên còn là một chỉ báo người bệnh có thể đang bị các bệnh tim mạch khác đi kèm và nguy cơ người bệnh bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não cao hơn nhiều lần so với người khác”, BS Huấn cảnh báo.


T.L